Nạn họp chợ, buôn bán lấn chiếm lòng - lề đường: Vi phạm tràn lan, gian nan xử lý
Hiện nay, tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để họp chợ vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương với mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn, gây mất an toàn giao thông (ATGT), ùn tắc giao thông nhưng chính quyền địa phương cùng ngành chức năng liên quan vẫn loay hoay tìm hướng xử lý.
Nơi nào cũng thấy
Tại chợ Vân Canh, thuộc thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh, từ 6 - 9 giờ hàng ngày, hàng chục tiểu thương bán các loại rau, củ, quả… ngang nhiên bày hàng giữa quốc lộ (QL) 19C để bán. Tình trạng này khiến nhiều phương tiện và người tham gia giao thông rất vất vả khi lưu thông qua đây, nhiều trường hợp phải lấn sang làn đường ngược chiều để đi, rất nguy hiểm.
Tại chợ Đầm (TP Quy Nhơn), hành vi chiếm dụng lề đường xung quanh chợ để mua bán và làm dịch vụ giữ xe đạp, xe máy vẫn còn phổ biến.
Tại chợ Diêu Trì, thuộc thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước), nạn lấn đường họp chợ cũng thường xuyên diễn ra. Lòng, lề đường khu vực xung quanh chợ bị “trưng dụng” làm mặt bằng kinh doanh, buôn bán. Kẻ bán, người mua nhốn nháo, xe cộ di chuyển qua lại liên tục khiến cho tình hình trật tự giao thông trở nên bát nháo, lộn xộn. Chưa kể, việc họp chợ tự phát bên đường dẫn đến tình trạng tồn đọng rác thải dọc tuyến đường dẫn vào ga Diêu Trì, gây phản cảm cho khách ra, vào ga.
Ngoài ra, còn nhiều trường hợp lấn đường họp chợ khá nghiêm trọng như chợ tự phát trên tuyến QL 19 đoạn qua thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn); chợ xổm Vinh Thạnh thuộc thôn Vinh Thạnh 1, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước.
Tình trạng lấn, chiếm lòng đường, vỉa hè họp chợ không chỉ diễn ra ở các huyện mà khu vực nội thành TP Quy Nhơn cũng tồn tại dai dẳng. Đơn cử như tại chợ Đầm, các tuyến đường xung quanh khu vực chợ, như: Nguyễn Chánh, Phạm Hồng Thái cũng biến thành nơi mua bán, kinh doanh. Hàng chục tiểu thương vô tư dựng lều, che ô dù san sát nhau, bày bán các mặt hàng hải sản tươi sống, gia cầm sống… Chưa kể, nhiều hộ dân sống xung quanh khu vực chợ Đầm tận dụng vỉa hè để làm dịch vụ giữ xe, cũng khiến cho tình hình trật tự giao thông trở nên lộn xộn.
Có thể nói hiện tượng xấu kể trên gần như đang diễn ra ở bất cứ địa phương nào trong tỉnh. Vì sao lại khó xử lý dứt điểm hiện tượng này như vậy?
Gian nan chuyện xử lý
Đem vấn nạn lấn đường họp chợ tại chợ Vân Canh phản ánh với lãnh đạo thị trấn Vân Canh, ông Phạm Thành Tuyên - Chủ tịch UBND thị trấn Vân Canh, thừa nhận: Đúng là tình trạng lấn đường họp chợ tại chợ Vân Canh thường xuyên diễn ra; đặc biệt, vào dịp Tết thì càng nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân là bởi diện tích chợ nhỏ, nhưng nhu cầu mua bán của người dân ngày càng cao, nên số lượng tiểu thương trong và ngoài huyện đến buôn bán, kinh doanh rất đông. Đến nay, chợ thu hút hơn 200 tiểu thương, gấp 5 lần so với thời điểm mới thành lập.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Thuận - Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho rằng: Trước đây, UBND huyện Tuy Phước đã chỉ đạo chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng khắc phục tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường họp chợ, buôn bán hàng rong nhưng đến nay vẫn còn tồn tại dai dẳng là do người dân kém ý thức, không chấp hành đúng quy định. Người dân chỉ chấp hành tốt khi cơ quan chức năng đi xử lý, nhưng cán bộ vừa đi thì đâu lại vào đó.
Còn theo ông Nguyễn Quả - Chánh Thanh tra Sở GTVT, thì: Lực lượng thanh tra giao thông đã phối hợp với các đội quản lý trật tự đô thị đứng chân trên địa bàn, chính quyền địa phương xử lý tình trạng lấn, chiếm lòng, lề đường làm nơi kinh doanh, buôn bán nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. Lực lượng chức năng còn mỏng, không thể túc trực mọi lúc, mọi nơi để ngăn chặn, xử lý cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng này lập đi, lập lại.
Căn bệnh lấn, chiếm lòng, lề đường để họp chợ, mua bán đã là bệnh mạn tính. Nó trở thành bệnh là do chính quyền các địa phương và lực lượng chức năng liên quan buông lỏng trách nhiệm quản lý nhà nước, lơ là trong thực thi nhiệm vụ của mình.
PHÚC LỘC