Bảo tồn và phát huy nhạc võ Tây Sơn: Cần đầu tư thêm
Vào đầu tháng 12, các đại biểu về dự lễ khởi công Dự án Mở rộng, nâng cấp Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn), vẫn tiếp tục được thưởng thức phần trình diễn trống trận Tây Sơn dưới sự lĩnh xướng của nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận, vừa được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú. Nói “tiếp tục” là bởi nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận (56 tuổi) đã nghỉ hưu, nhưng vẫn được lãnh đạo Bảo tàng Quang Trung linh hoạt ký hợp đồng ngắn hạn để tham gia biểu diễn.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Thuận đánh trống trận Tây Sơn tại lễ khởi công Dự án Mở rộng, nâng cấp Bảo tàng Quang Trung.
Việc nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận vẫn nhiệt tình biểu diễn bên cạnh mặt tích cực, cũng cho thấy có vấn đề về đào tạo nhạc công trống kế thừa trong đội nhạc võ Tây Sơn. Nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận có 2 học trò nữ (trong đó có con gái của bà) hiện đang tham gia biểu diễn trong đội nhạc võ, với ưu điểm là sự trẻ trung nhưng khả năng biểu diễn trống trận còn những hạn chế. Điều này có nguyên nhân từ những bài bản động tác, kỹ thuật biểu diễn trống trận rất khó học, đòi hỏi phải tập trung rèn luyện nhiều mới có được sự khéo léo tạo nên tiếng trống hay, lôi cuốn khán giả. Vì vậy, cần tiếp tục quan tâm đào tạo, nâng cao khả năng biểu diễn của các nhạc công trẻ, mới hy vọng đảm bảo kế thừa và phát huy được những giá trị độc đáo của trống trận Tây Sơn.
Thiết nghĩ rằng, cùng với sự đầu tư kinh phí rất lớn để mở rộng, nâng cấp Bảo tàng Quang Trung về cơ sở vật chất, cũng rất cần quan tâm đến việc đầu tư nâng cao hơn chất lượng biểu diễn của đội nhạc võ, nhất là khi khu B của Bảo tàng có hạng mục xây mới nhà diễn võ. Ngoài việc cần bổ sung, nâng cao chất lượng nhân lực tham gia biểu diễn, nên đầu tư nghiên cứu để mở rộng thêm những tiết mục biểu diễn nhạc võ Tây Sơn phong phú, cuốn hút hơn. NSƯT Gia Thiện - Phó Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn, người nghiên cứu và sáng tác thành công về âm nhạc truyền thống - đã từng nhìn nhận rằng lâu nay nhạc võ mới chỉ được khai thác hiệu quả ở việc biểu diễn 12 trống như bài bản đã có, còn việc nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản để có tính kế thừa, phát triển trên nền nhạc võ để viết ra những sáng tác mới, hoặc tìm kiếm một hình thức biểu diễn mới theo hướng quy mô, đa dạng hơn vẫn chưa được chú trọng; dù nhạc võ Tây Sơn được các nhà nghiên cứu khắp nơi đánh giá là một di sản văn hóa phi vật thể có tính độc nhất vô nhị.
Sau nhiều năm nghiên cứu, nhạc sĩ nổi tiếng Nguyễn Văn Hiên đã hoàn thành luận văn thạc sĩ âm nhạc học với đề tài “Nhạc võ Tây Sơn” vào cuối năm 2014, được Hội đồng Khoa học của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh đánh giá cao. Một trong những vấn đề bức thiết nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên đặt ra trong luận văn này, đó là ông nhấn mạnh các cơ quan quản lý văn hóa ở tỉnh Bình Định nên quan tâm tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, nâng cao hơn nữa về chất lượng kỹ thuật và nghệ thuật diễn tấu nhạc võ Tây Sơn, nhằm đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay.
MAI THƯ