Nhạc công trống ở Nhà hát tuồng Ðào Tấn: Thầm lặng góp vai trò lớn
Khi thưởng thức một vở diễn của Nhà hát tuồng Ðào Tấn, đa phần khán giả đều hướng về sân khấu, xem, bàn luận và tán thưởng mỗi khi diễn viên hát hay, múa đẹp; ít ai chú ý đến dàn nhạc nói chung và đặc biệt là nhạc công trống - người có tác động rất lớn đến sự thành công của vở diễn.
Nghệ sĩ Triều Dâng là phó sư kỳ cựu của Nhà hát tuồng Đào Tấn.
Vai trò quan trọng
Phó sư - người thầy thứ hai sau ông bầu là danh hiệu mà cổ nhân phong cho người nhạc công trống trong tuồng, nhằm khẳng định và tôn vinh vai trò, vị trí quan trọng của họ đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này. Trong đêm diễn, vị phó sư dùng những tiếng trống nghệ thuật của mình để quán xuyến toàn bộ vở diễn. Tấm rèm sân khấu mở ra, trống là nhạc cụ đầu tiên lên tiếng dẫn dắt toàn bộ dàn nhạc bước vào vở diễn. Sau đó, trống lại tiếp tục thực hiện đưa, đón nhân vật vào, ra sân khấu. Ngay cả việc hát, múa, diễn của các nhân vật cũng do nhạc công trống dẫn dắt. Không chỉ đảm nhận vai trò dẫn đường cho nhân vật, phó sư còn kiêm luôn vai trò nâng đỡ diễn viên khi diễn xuất. Đây là nhiệm vụ khá đặc biệt; thể hiện mỗi khi thấy diễn viên có biểu hiện mệt, đuối sức trong khi hát, ngay lập tức tiếng trống lại vang lên để người diễn có thể chuyển sang các động tác diễn nhẹ nhàng, đồng thời tận dụng chút thời gian quý báu đó để nghỉ ngơi lấy sức, sau đó hát tiếp.
Nghệ thuật tuồng vốn rất phong phú và đa dạng, mỗi thể loại có cách thức sử dụng âm nhạc riêng. Trong mỗi vở lại có những bài bản âm nhạc khác nhau. Và ngay cả cùng một vở diễn, với các diễn viên khác nhau, cũng cần những cách thức đánh trống khác nhau để phù hợp với phong cách hát và diễn của từng người. Nghệ sĩ Triều Dâng - một phó sư kỳ cựu của Nhà hát tuồng Đào Tấn, kể lại: “Hồi mới đảm nhận vị trí nhạc công trống, tôi luôn đọc rất kỹ kịch bản, ghi nhớ một cách chi tiết từng màn, lớp, số lượng, thứ tự từng câu hát, tình huống diễn của mỗi nhân vật. Đồng thời cũng tập trung chú ý nắm bắt các tín hiệu chuyển đổi câu, làn điệu, động tác trong khi hát, múa, diễn của diễn viên để đệm trống sao cho khớp, hỗ trợ tối đa để diễn viên thể hiện vai được tốt nhất. Vậy mà một số lần đi biểu diễn đôi lúc roi trống bị non tay (chưa đủ độ chín để hỗ trợ cho dàn nhạc và diễn viên), tôi được các nghệ sĩ bậc thầy như NSND Võ Sỹ Thừa, NSND Trương Đình Bôi nhắc nhở bằng cách trừng mắt, hoặc dậm hia. Qua những lần như thế, dần tôi đã rút được nhiều kinh nghiệm cho mình”.
Quan tâm đào tạo phó sư
Để sử dụng thành thạo nhạc cụ trống đã khó, phát huy tối đa những tính năng của loại nhạc cụ dân tộc này trong quá trình biểu diễn lại càng khó hơn. Một người muốn trở thành nhạc công trống cần hội tụ nhiều yếu tố như: có đôi tay nhanh nhẹn, hoạt bát, khả năng cảm thụ âm nhạc, cùng với trí nhớ tốt, tinh ý, nhanh nhạy trong xử lý các tình huống. Ngoài năng khiếu và thể chất, người theo nghề còn phải có niềm đam mê sáng tạo, tinh thần phấn đấu cao trong quá trình làm nghệ thuật mới mong có được thành quả tốt.
Mặc dù khó nhưng trống tuồng lại là một khu vườn đầy quả ngọt cho những ai kiên trì theo đuổi. Bởi lẽ, khi đã nhuần nhuyễn trống tuồng, người nhạc công rất dễ dàng trong việc thể hiện những bản nhạc truyền thống khác. Cố nhiên họ trở thành một người nghệ sĩ đa năng và từ đó gặt hái được nhiều thành quả ngọt ngào trên con đường nghệ thuật. Ví như nghệ sĩ Triều Dâng, bản thân là một nhạc công trống trong dàn nhạc Nhà hát tuồng Đào Tấn nhưng tại các cuộc thi, liên hoan âm nhạc truyền thống, anh luôn đạt giải cao như: HCV tiết mục “Đất võ quê tôi” và HCB tiết mục hòa tấu “Liên hoàn bài bản truyền thống trong sân khấu Tuồng” tại Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam năm 2012; Giải A tiết mục “Vượt qua giông bão” trong kỳ Liên hoan âm nhạc khu vực Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam 2014 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Phó sư trong dàn nhạc tuồng là một công việc khó nên rất kén truyền nhân. Vì vậy, Nhà hát tuồng Đào Tấn đã có nhiều cố gắng cho việc đào tạo nhân lực vị trí này. NSƯT Nguyễn Gia Thiện, Phó giám đốc phụ trách Nhà hát tuồng Đào Tấn, cho biết: “Đào tạo được một phó sư đòi hỏi phải có nỗ lực rất lớn từ người học và người dạy. Hiện Nhà hát có hai người phó sư rất chắc tay nhưng đều đã lớn tuổi. Vấn đề đào tạo lực lượng kế cận đã và đang được Nhà hát tích cực thực hiện dựa trên nguồn nhân lực sẵn có và theo hướng vừa học vừa làm, đến đâu chắc đến đó. Các nghệ sĩ trẻ còn được tạo điều kiện cọ xát để trưởng thành rất nhanh ở những kỳ thi, liên hoan âm nhạc dân tộc chuyên nghiệp toàn quốc. Tiêu biểu như nhạc công trẻ Đinh Văn Công tham gia đoạt HCV tiết mục song tấu bộ gõ “Nhịp phách tương giao” tại Liên hoan Hòa tấu- Độc tấu nhạc cụ dân tộc - 2014”.
Nhạc công trẻ đầy triển vọng Ðinh Văn Công chia sẻ: “Khát khao được trở thành một phó sư trong tương lai, tôi đã và đang cố gắng vừa làm, vừa học hỏi và rèn luyện hết mình. Mỗi khi gặp chỗ khó, tôi thường trăn trở suy nghĩ và quyết tâm làm cho kỳ được, thậm chí đôi khi về nhà còn quên cả việc gia đình”.
LÊ CÔNG PHƯỢNG