Phòng ngừa cảm lạnh trong mùa đông
Cảm lạnh là bệnh thường gặp vào mùa đông. Khi thấy bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như: sổ mũi, hắt hơi và viêm họng, đó là dấu hiệu bạn sắp bị cảm lạnh.
Trên thực tế, hiện chưa có thuốc kháng sinh hay kháng vi-rút nào tỏ ra hiệu quả với bệnh cảm lạnh. Dưới đây là những lời khuyên giúp bạn khắc phục các triệu chứng cảm lạnh ngay từ khi chúng mới xuất hiện mà không cần dùng thuốc.
1. Bổ sung súp gà
Một bát súp gà nóng hổi sẽ đem lại cho bạn cảm giác dễ chịu hơn khi bạn bị ốm. Phương thuốc đã được thời gian kiểm chứng này có chứa cysteine, một chất axít amin có thành phần hóa học tương đương như thuốc trị viêm phế quản, giúp giảm chứng sưng viêm.
2. Uống nhiều nước
Nước lọc, nước trái cây ép, nước canh, hoặc ly chanh nóng pha với mật ong sẽ giúp làm giảm hiện tượng tắc nghẽn và ngăn chặn mất nước. Uống Vitamin C - chất chống oxy hóa - có thể giúp tăng cường miễn dịch và làm cho cơ thể hồi phục nhanh hơn.
3. Tắm nước ấm
Hơi nước giữ ẩm hốc mũi tạo cảm giác không còn bị kích thích và cảm giác thư giãn giúp làm giảm các triệu chứng cảm lạnh.
Hãy ngâm mình trong một bể nước ấm hoặc bắt đầu một ngày mới bằng cách tắm dưới vòi sen nước ấm để tận hưởng những cảm giác thư thái.
4. Tránh tập luyện quá sức
Nếu bạn bị cảm lạnh và cảm thấy mệt mỏi thì nên nghỉ ngơi. Nhưng nếu bạn muốn tập thể dục khi bị ốm, nên chọn những bài tập nhẹ nhàng và không kéo dài. Chẳng hạn thay vì chạy bộ, bạn có thể đi bộ sẽ có lợi hơn cho sức khỏe.
5. Nghỉ ngơi nhiều
Khi bị ốm, cơ thể cần thời gian để hồi phục. Cố gắng đi ngủ sớm vào khoảng 8 giờ tối và cần ngủ đủ trong tối thiểu 8 tiếng, vì khi bị cảm lạnh bạn sẽ cảm thấy kiệt sức và bạn cần giữ cho cơ thể khỏe mạnh.
6. Súc miệng bằng nước muối ấm
Súc miệng bằng nước muối ấm có thể giúp giữ ẩm cho vùng cổ họng đang bị tổn thương. Súc miệng và ngậm trong một phút, sau đó thì nhổ ra. Nó có thể giúp bạn tránh được nguy cơ cảm lạnh.
Hồng Hà (theo Xinhua)