Một số biện pháp phòng chống HIV/AIDS được triển khai trong cộng đồng
Thời gian qua, công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến rõ rệt. Nhiều trường hợp nhiễm HIV mới được quản lý và điều trị kịp thời. Thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” do UBND tỉnh phê duyệt ngày 31.12.2013, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã có những biện pháp tích cực để ngăn chặn các nguy cơ phát triển HIV/AIDS.
Xác định truyền thông là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, ngay từ đầu năm 2015, Trung tâm đã có kế hoạch phối hợp với Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể trong việc phát huy vai trò của các cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS. Riêng mạng lưới cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS của ngành Y tế từ tỉnh đến huyện, xã luôn kịp thời thông tin, tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nhân viên y tế, thôn, làng để vận động nhân dân thực hiện phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng.
Trung tâm cũng đã triển khai nhiều hoạt động thực hiện chương trình can thiệp giảm tác hại, như tư vấn xét nghiệm tự nguyện; củng cố, duy trì và phát triển đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng nhằm tiếp cận, truyền thông và phân phát bao cao su. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 100 cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí cung cấp miễn phí bao cao su cho khách hàng. Chương trình can thiệp giảm tác hại đã làm thay đổi lớn về nhận thức của những người có hành vi nguy cơ cao, góp phần vào việc thực hiện các hành vi an toàn tình dục.
Trong khi đó, công tác điều trị và chăm sóc cho người nhiễm HIV/AIDS đã và đang hướng tới mở rộng số người được điều trị ARV. Tăng cường sự phối hợp với phòng khám ngoại trú để nâng cao hiệu quả trong việc chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS trên phạm vi toàn tỉnh. Đẩy mạnh rà soát, tiếp cận, quản lý người nhiễm HIV/AIDS và triển khai hoạt động truyền thông, quảng bá các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm để người dân sớm được tiếp cận với dịch vụ tư vấn, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Chương trình chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS cũng từng bước được kiện toàn, đầu tư về trang thiết bị, nhân lực từ tỉnh đến cơ sở. Tính đến tháng 9 năm 2015, toàn tỉnh đã có 136 bệnh nhân HIV được điều trị ARV.
Hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã cung cấp gói dự phòng hiệu quả: tư vấn, xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại các xã, phường, thị trấn; cấp thuốc điều trị dự phòng lây truyền mẹ con cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV. Những biện pháp can thiệp tích cực trên đã góp phần giảm đáng kể số trẻ bị phơi nhiễm HIV từ mẹ.
Hiện nay, chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đang là hướng đi mới làm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường máu cho người nghiện chích ma túy, góp phần ngăn chặn lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
ThS. NGUYỄN THỊ HẢI NAM
(Phó trưởng khoa Tư vấn, Điều trị và Can thiệp cộng đồng - Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh)