Ðiều trị viêm ruột thừa có biến chứng ở trẻ em: An toàn hơn với phẫu thuật nội soi
Viêm ruột thừa cấp là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ em. Mặc dù tỉ lệ tử vong đã giảm xuống đáng kể trong những năm gần đây, nhưng tình trạng biến chứng viêm phúc mạc vẫn còn cao. Phẫu thuật nội soi được đánh giá là phương pháp điều trị an toàn trong trường hợp này.
Một ca phẫu thuật nội soi điều trị viêm ruột thừa có biến chứng ở trẻ em do các bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp-BVĐK tỉnh thực hiện.
Một trong những biến chứng phổ biến nhất của viêm ruột thừa là viêm phúc mạc khu trú, diễn ra sau khoảng 24 giờ của bệnh; viêm hoại tử một phần gây thủng thành ruột thừa nhưng dịch và mủ còn khu trú ở một khoang ổ bụng. Viêm phúc mạc toàn thể xảy ra ở giai đoạn trễ hơn, ổ bụng dơ, nhiều dịch mủ đục, giả mạc. Cùng với đó là biến chứng nguy hiểm khác như áp-xe ruột thừa, đám quánh ruột thừa...
Tại Hội nghị khoa học Phẫu thuật nội soi - Nội soi và Ngoại khoa 2015 vừa được tổ chức tại TP Huế, bác sĩ Phan Xuân Cảnh đã trình bày báo cáo khoa học “Phẫu thuật nội soi điều trị viêm ruột thừa có biến chứng ở trẻ em tại BVÐK tỉnh Bình Ðịnh”. Báo cáo này được các nhà khoa học đánh giá cao trên lĩnh vực phẫu thuật nội soi.
Theo Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, BVĐK tỉnh Phạm Văn Phú, ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ thì việc chẩn đoán viêm ruột thừa thường khó khăn do khả năng hợp tác của trẻ kém. Nhiều trường hợp trẻ nhập viện khi viêm ruột thừa đã có biến chứng. Theo một số nghiên cứu, tỉ lệ viêm ruột thừa có biến chứng thủng ở trẻ em từ 20-76%, ở trẻ dưới 5 tuổi tỉ lệ này lên đến trên 82%. Đáng chú ý, nhiều trẻ mắc bệnh khi còn rất nhỏ, như bé Hồ Đình Tr. (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) mới 3 tuổi, hay bé Văn Thị Ngân Tr. (xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn) mới 5 tuổi.
Phẫu thuật cắt ruột thừa là tiêu chuẩn vàng trong điều trị viêm ruột thừa; với 2 phương pháp mổ mở kinh điển và phẫu thuật nội soi. Bác sĩ điều trị của khoa Ngoại Tổng hợp Phan Xuân Cảnh phân tích, phẫu thuật nội soi ngày càng khẳng định vị thế với nhiều ưu điểm. Nổi bật là dễ dàng quan sát khắp ổ bụng, nhìn rõ các vị trí đọng mủ và giả mạc nên thuận tiện cho việc làm sạch và ít bỏ sót. Đồng thời, ít gây tổn thương các quai ruột nên thời gian tái lập nhu động ruột và trung tiện sớm. Thêm vào đó, vết mổ nhỏ giảm nguy cơ nhiễm trùng, tăng tính thẩm mỹ; giảm các biến chứng áp-xe tồn lưu, áp-xe thành bụng, viêm phúc mạc sau mổ. Ngoài ra còn nhiều lợi điểm khác như hậu phẫu nhẹ nhàng, giảm đau sau mổ, thời gian nằm viện ngắn.
“Trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ viêm phúc mạc ruột thừa cao hơn 1,7 lần so với các trẻ lớn. Phẫu thuật nội soi điều trị viêm ruột thừa có biến chứng sẽ rất hiệu quả nếu trẻ được can thiệp sớm, nhất là trong 24 giờ đầu. Vì vậy, khi bệnh nhi có đau bụng kèm sốt, nhất là trẻ dưới 5 tuổi, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám kỹ để phát hiện sớm viêm ruột thừa, tránh bỏ sót đáng tiếc”.
Bác sĩ điều trị của khoa Ngoại Tổng hợp - BVÐK tỉnh PHAN XUÂN CẢNH
Tại BVĐK tỉnh, phẫu thuật nội soi điều trị viêm ruột thừa cấp ở trẻ em được triển khai từ tháng 3.2008. Đến nay, kỹ thuật này đã được ứng dụng trong phần lớn trường hợp viêm ruột thừa có biến chứng ở trẻ em. Các bác sĩ cho hút dịch viêm mủ trước khi ổ phúc mạc có nhiều dịch mủ. Sau đó cầm máu và cắt mạc treo ruột thừa bằng đốt điện, làm nơ chỉ ở ngoài đưa vào ổ phúc mạc siết buộc khóa, dùng kéo cắt ruột thừa. Ruột thừa được bỏ vào túi và đưa ra ngoài qua lỗ trocar rốn (lỗ trocar là vết mổ nhỏ để đưa dụng cụ phẫu thuật vào, còn gọi là cổng vào). Sau cùng, rửa ổ phúc mạc bằng dung dịch NaCl 9‰, hút sạch dịch; đặt ống dẫn lưu sau mổ, đóng các lỗ trocar.
Theo một khảo sát do các bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp thực hiện trên 63 bệnh nhi viêm ruột thừa có biến chứng được phẫu thuật nội soi tại BVĐK tỉnh, thời gian phẫu thuật trung bình chỉ khoảng 60 phút; thời gian nằm viện chưa tới 1 tuần. “Tỉ lệ đạt kết quả tốt sau mổ đến 90,2%. Tỉ lệ nhiễm trùng vết mổ, tắc ruột, áp-xe tồn lưu sau mổ thấp hơn so với mổ mở. Điều đó cho thấy phẫu thuật nội soi điều trị viêm ruột thừa có biến chứng ở trẻ em là an toàn và khả thi”, bác sĩ Cảnh nhấn mạnh.
NGUYỄN VĂN TRANG