Kỳ họp lần thứ 12, HÐND tỉnh khóa XI: Bức xúc với dự án treo, băn khoăn chế độ “trợ cấp” đi học
Ðây là những vấn đề được các đại biểu (ÐB) dành nhiều thời gian thảo luận nhất trong ngày làm việc đầu tiên (23.12) tại Kỳ họp lần thứ 12, HÐND tỉnh khóa XI.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Tùng phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: VĂN LƯU
Nhiều bức xúc với các dự án “treo”
Bàn về tình hình thu hút các dự án đầu tư trong năm qua, ĐB Phạm Thị Thanh Hương (Tuy Phước) cho rằng nên xem lại hiệu quả công tác đầu tư.
“Các dự án bị thu hồi thời gian qua là do nhà đầu tư tự xin dừng vì không có khả năng triển khai dự án, chứ không phải do tỉnh cương quyết thu hồi vì chậm triển khai” - ĐB VÕ VINH QUANG (An Nhơn)
Bà Hương nói: “Tổng vốn đăng ký đầu tư vào KKT Nhơn Hội 33.500 tỉ đồng nhưng vốn đầu tư thực lũy kế đến nay chỉ mới 4.000 tỉ đồng là quá thấp. Vừa rồi, một đại biểu huyện nọ than 3.000 ha đất đã giao rồi, mãi không thấy dự án triển khai, trong khi dân thiếu đất canh tác, sản xuất. Nghe mà xót xa quá. Tỉnh nên tính toán, xem xét hiệu quả thu hút đầu tư, rà soát dự án nào không triển khai thì thu hồi, tránh lãng phí đất đai”.
“Đang có quá nhiều dự án treo làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân. Không tin, bữa nào mời các đại biểu xuống chứng kiến xem người dân đang khốn khổ với dự án treo ra sao”, ĐB Nguyễn Minh Phụng (Phù Cát) bức xúc. “Tại huyện Phù Cát, 10 năm qua nhiều hộ gia đình trong dự án khu du lịch Hội Vân, xã Cát Hiệp hết sức khổ sở vì tam đại đồng đường cùng sống dưới một mái nhà. Ở xã Cát Hanh, dự án Khu công nghiệp Hòa Hội 265 ha đã giải phóng mặt bằng nhưng bỏ hoang. Rồi nữa, Nhà máy nhiệt điện ở 2 xã Cát Thắng - Cát Thành hơn 400 ha… trong khi dân không có đất sản xuất. Đề nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải rà soát, quyết tâm chịu trách nhiệm để thu hồi với doanh nghiệp không có khả năng triển khai” - ĐB Phụng thông báo.
ĐB Võ Vinh Quang (An Nhơn) cho rằng các dự án bị thu hồi thời gian qua là do nhà đầu tư tự xin dừng vì không có khả năng triển khai dự án, chứ không phải do tỉnh cương quyết thu hồi vì chậm triển khai. Vì vậy, mong rằng từ năm 2016 trở đi, tỉnh sẽ rà soát, thu hồi dứt điểm, những dự án không triển khai, chậm tiến độ thời gian dài để trao cơ hội cho doanh nghiệp khác”.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Cao Thắng, thời gian tới tỉnh sẽ nghiên cứu, xem xét lại và sẽ kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án không triển khai.
ĐB Võ Vinh Quang: “Đề nghị tỉnh rà soát, cương quyết thu hồi những dự án chậm triển khai trao cơ hội cho các nhà đầu tư khác”. Ảnh: HẢI YẾN
Kinh tế phát triển khá, tạo điều kiện liên kết “4 nhà”
Trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nền kinh tế của tỉnh vẫn tiếp tục có mức tăng trưởng 9,51% (kế hoạch 9,5%) là một sự nỗ lực lớn đáng ghi nhận. Theo ĐB Đặng Thành Thái (Hoài Ân), có được những kết quả này là ngay từ đầu năm các cấp, các ngành, các địa phương đã dự báo tốt tình hình của từng lĩnh vực nên đến cuối năm mới đạt được những kết quả khả quan. “Với đà phát triển này, năm 2016 chỉ tiêu phát triển kinh tế, trong đó tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 7,5% là hoàn toàn đạt được”, ĐB Thái lạc quan. Còn ĐB Nguyễn Minh Phụng (Phù Cát) phấn khởi cho biết thêm năm nay nông dân hai huyện Phù Cát, Phù Mỹ được mùa được giá do chuyển đổi cây trồng cạn. Có hộ thu hàng trăm triệu đồng nhờ trúng lớn dưa hấu, đậu phụng.
Từ thắng lợi trong nông nghiệp, ĐB Trương Thiên Thành (Tây Sơn), góp ý tỉnh cần có các giải pháp để phát triển kinh tế trên lĩnh vực nông nghiệp ổn định hơn, bởi lâu nay lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng nhưng không ổn định. Quan tâm nhiều hơn đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, gắn vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Tỉnh và các ngành cần tạo điều kiện để sự gắn kết giữa “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) chặt chẽ hơn, bởi nông dân sản xuất ra sản phẩm không có đầu ra, giá cả bấp bênh, có vậy nông dân mới gắn bó với đồng ruộng.
Hai ĐB Lê Thanh Long (Tuy Phước) và Phạm Hồng Sơn (Quy Nhơn) dẫn chứng bằng việc cho đến nay tỉnh tận dụng thế mạnh nông sản, hải sản để cung cấp cho 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. ĐB Sơn nói: “Nếu chúng ta có vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp theo yêu cầu của họ, rồi cung cấp được nguồn nguyên liệu cá tươi thì tốt biết mấy”, ĐB Sơn nói. Nhưng nói như ĐB Tôn Thất Thảo (Hoài Nhơn) thì chất lượng nông sản có tốt thì mới cạnh tranh nổi trên thị trường.
Vì vậy, theo ĐB Đặng Thành Thái, tỉnh nên có đề tài khoa học nghiên cứu về sự phát triển kinh tế của tỉnh, để từ đó có định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, không để phát triển tự phát, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, cũng nên có chính sách đầu tư mạnh hơn nữa phát triển về kinh tế biển vì tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh.
ĐB Nguyễn Thanh Tùng (Quy Nhơn), với tư cách Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho rằng: Trong năm 2016 và những năm tiếp theo, tỉnh sẽ tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng vật nuôi, cây trồng; tập trung phát triển kinh tế biển, nhất là đánh bắt cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản.
Nhiều ÐB nhận xét, trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nền kinh tế của tỉnh vẫn tiếp tục có mức tăng trưởng 9,51% (kế hoạch 9,5%) là một sự nỗ lực lớn đáng ghi nhận, thể hiện quyết tâm cao của Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh. Trong đó, đáng chú ý là giá trị tăng thêm của các ngành: Nông, lâm, thủy sản tăng 4,32% (kế hoạch 4,3%); công nghiệp, xây dựng tăng 11,53% (kế hoạch 11,5%); dịch vụ tăng 11,85% (kế hoạch 11,8%).
N. PHÚC - T. HÀ - H. YẾN - K. ANH
Băn khoăn “trợ cấp” cho cán bộ được cử đi học
Tờ trình của UBND tỉnh về quy định chính sách trợ cấp đối với cán bộ công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ) được cử đi đào tạo nhận được nhiều ý kiến thảo luận.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trịnh Xuân Long trả lời một số vấn đề liên quan đến chính sách đào tạo thạc sĩ. Ảnh: V.LƯU
Tờ trình này quy định các đối tượng được nhận trợ cấp đi học gồm: cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được quy hoạch các chức danh, lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên đang công tác trong cơ quan hệ thống chính trị cấp tỉnh, huyện học trình độ sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ; bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II); cán bộ chủ chốt cấp xã, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số đang công tác tại vùng dân tộc thiểu số sinh sống và công chức xã Nhơn Châu, Quy Nhơn (học trình độ đại học); đối tượng học trung cấp, cao cấp lý luận chính trị (có quy định cụ thể).
“Giai đoạn 2010-2015, tỉnh đã chi gần 33 tỉ đồng hỗ trợ, có quá nhiều thạc sĩ ngành không cần thiết như quản lý giáo dục”
Phó Giám đốc Sở Nội vụ TRỊNH XUÂN LONG
Mức trợ cấp: trợ cấp 100% chi phí học tập, tiền tài liệu, thuê phương tiện đi lại (cách trụ sở từ 15km), trợ cấp 1 lần sau khi tốt nghiệp từ 20-80 triệu đồng tùy theo bằng cấp, chuyên khoa, học trong hay ngoài nước. Tờ trình cũng nêu một số ràng buộc đối với người được nhận hỗ trợ, quy định; các khoản trợ cấp đào tạo học ở nước ngoài...
Hầu hết ĐB đều cho rằng việc ban hành quy định mới về chính sách trợ cấp đối với cán bộ là cần thiết, nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và yêu cầu thực tiễn của tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Cao Thắng, Tờ trình này sẽ “khoanh hẹp” đối tượng được cử đi học, nâng mức hỗ trợ thay thế cho Quyết định số 44/2007/QĐ-UBND, Quyết định số 45/2007/QĐ-UBND không còn phù hợp, chấm dứt tình trạng cán bộ đổ xô nhau đi học lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ vừa được tỉnh hỗ trợ tiền vừa lợi cho bản thân như trước đây.
Tuy nhiên, vẫn còn ít ĐB tỏ ra băn khoăn về nội dung của Tờ trình. ĐB Trương Quang Đạt (Quy Nhơn) và ĐB Phạm Hồng Sơn (Quy Nhơn) thắc mắc tờ trình chưa nêu những trường hợp chuyển tiếp đã tốt nghiệp trong năm 2015 nhưng chưa nhận tiền thì sẽ được hỗ trợ theo mức quy định trong Tờ trình mới hay vẫn thực hiện theo chế độ hỗ trợ cũ; không nên quy định độ tuổi được cử đi học mà chỉ nên quy định độ tuổi được nhận bằng. Còn BĐ Lê Công Nhường (An Nhơn) và ĐB Vũ Thị Hồng Hoa (Phù Mỹ) kiến nghị dù tỉnh hiện đã tạm dừng thực hiện Quyết định số 45/2007/QĐ-UBND và Quyết định số 44/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh nhưng nên xem xét hỗ trợ đối với cán bộ hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, quản lý khoa học chất lượng cao và cán bộ được dân cử tự bỏ tiền đi học.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Minh Phụng (Phù Cát) và ĐB Võ Vinh Quang (An Nhơn) kiến nghị nên tạm dừng việc thông qua Tờ trình để cơ quan tham mưu điều chỉnh các danh mục, quy định một cách chặt chẽ hơn, tránh tình trạng bất cập nghị quyết đã thông qua nhưng khó thực hiện.
PHÚC HÀ - YẾN ANH