76% số bác sĩ kê chưa đúng thuốc kháng sinh
Thống kê của Bộ Y tế chỉ ra, có tới 76% số bác sĩ kê toa kháng sinh không phù hợp. Đây là nguyên nhân khiến 33% số người bệnh bị kháng thuốc.
Trong khi các quốc gia phát triển còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 thì Việt Nam đã sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4, chi phí kháng sinh trong điều trị chiếm tới 17% trên tổng chi cho phí dịch vụ khám-chữa bệnh của người dân. Đây là thông tin từ Bộ Y tế chiều qua (23.12) trong Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phòng, chống kháng thuốc năm 2015 và triển khai năm 2016.
Lạm dụng kháng sinh tràn lan Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam nằm trong danh sách nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất trên toàn cầu. Mặc dù Việt Nam đã có quy định bắt buộc các nhà thuốc chỉ được bán kháng sinh theo toa, bác sĩ chỉ kê toa kháng sinh trong những trường hợp cần thiết, nhưng kháng sinh vẫn được bán một cách bừa bãi. Ghi nhận của phóng viên tại một số cửa hiệu thuốc trên địa bàn Hà Nội cho thấy tình trạng này. Chợ thuốc Hapulico (Thanh Xuân, Hà Nội) không chỉ là nơi dành cho các nhà thuốc đến lấy thuốc bán buôn. Khá nhiều người dân cũng đến đây để mua các loại thuốc. Anh Nguyễn Văn Kiên (Linh Đàm) cho biết: “Tôi cứ bị ốm là lại lên hiệu thuốc quen trên này mua. Cũng ốm vặt vãnh thôi. Cúm, ho, đau đầu. Lần nào cũng phải uống kháng sinh ở đây mới khỏi được”. Hỏi anh vì sao không đi khám để bác sĩ kê đơn, anh Kiên nói: “Ốm nhẹ thì cần gì khám. Với lại mua thuốc ở hiệu thuốc họ bán vẫn khỏi cơ mà”. Cửa hàng thuốc tại ngõ 252 Tây Sơn cũng giống hầu hết các cửa hiệu thuốc khác. Người bán hàng luôn là người bắt bệnh, kê đơn thuốc theo lời kể của người mua. Khi được hỏi, chị Thủy (29 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội, người vừa mua thuốc tại cửa hàng trên) kể: “Người bán hàng hỏi qua loa rồi bán cho tôi khoảng 5 loại thuốc, bảo là có cả kháng sinh, thuốc kháng viêm, thuốc chống sổ mũi… tổng cộng hết 160.000, uống 5 ngày thì khỏi”. Kháng sinh đã đóng góp 13,4% (ở thành thị) và 18,7% (ở nông thôn) trong tổng doanh thu của hiệu thuốc. Tuy nhiên, nhận thức về kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp. Điều này được khẳng định trong một kết quả khảo sát của ngành y tế về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc. Khảo sát cũng đưa ra những con số đáng báo động: Ở thành thị 88% số kháng sinh được bán mà không có đơn. Ở nông thôn, tình trạng lạm dụng kháng sinh còn nặng nề hơn khi con số này là 91%. Nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của tình trạng kháng thuốc còn hạn chế, công tác quản lý nhà nước về dược phẩm còn lỏng lẻo, chế tài xử lý chỉ là phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe đối với những đơn vị sai phạm. Truyền thông về kháng thuốc là vô cùng cần thiết Chiều 23.12, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phòng, chống kháng thuốc năm 2015 và xây dựng kế hoạch năm 2016. Tại hội thảo, các chuyên gia đã nêu rõ, kháng thuốc và xu hướng gia tăng kháng thuốc đã và đang trở thành một nguy cơ lớn cho toàn nhân loại, là mối hiểm họa nhiều mặt đối với sự sống còn của loài người, đối với sức khỏe cộng đồng, đối với kinh tế - thương mại và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị kinh điển. Kháng thuốc có thể đảo lộn các thành tựu đạt được trong nhiều chương trình y tế và tác động nghiêm trọng tới công tác quản lý và kiểm soát các bệnh lây nhiễm, đồng thời là nguy cơ làm ảnh hưởng tới sự thành công của các phương pháp điều trị và can thiệp y học hiện đại. Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết: “Chúng ta đã tổ chức thành công tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc từ 16 - 22.11.2015. Các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương, từ Bắc vào Nam đều đã hưởng ứng nhiệt liệt tuần lễ truyền thông này. Cán bộ y tế và đặc biệt là cộng đồng đã bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm liên quan chặt chẽ đến sự sống còn và tương lai của loài người. Kháng thuốc là hiểm họa ngày càng lớn đối với con người và nền kinh tế Việt Nam do sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong nông nghiệp và càng đáng báo động hơn khi nó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái. Chúng ta cần có nhiều giải pháp tích cực hơn nữa để thu hút sự chú ý và quan tâm của cộng đồng đến vấn đề kháng thuốc và cùng chung tay cam kết thực hiện kế hoạch hành động quốc gia đã ban hành”. Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sĩ khám bệnh, kê đơn và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ; cán bộ y tế tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn, sử dụng kháng sinh trong điều trị hợp lý, an toàn cho người bệnh.
Theo Lao Động