Di tích tháp Dương Long và phù điêu nữ thần Mahishasuramardini:
Được công nhận di tích quốc gia đặc biệt và bảo vật quốc gia
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định xếp hạnh di tích quốc gia đặc biệt (đợt 6) cho 11 di tích khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, lịch sử và danh lam thắng cảnh ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Được vinh danh trong số này có di tích tháp Chăm Dương Long (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).
Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini đang được trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Khu tháp Dương Long từ năm 1980 đã được xếp hạng di tích quốc gia nghệ thuật kiến trúc- điêu khắc Chăm cuối thế kỷ XII. Di tích bao gồm cả một quần thể ba ngọn tháp nằm gần nhau (tháp Giữa cao 42 m, tháp Nam cao 36 m, tháp Bắc cao 34 m) được đánh giá là ngôi tháp gạch cao nhất Đông Nam Á. Khu tháp này độc đáo không chỉ ở kích thước đồ sộ mà còn ở hình dáng đặc biệt của từng kiến trúc, điêu khắc tài hoa trên các khối đa sa thạch (có khối nặng 3-4 tấn). Qua 3 cuộc khai quật được tiến hành trong thời gian từ năm 2006 - 2009, đã phát lộ thêm những kiến trúc, rất nhiều hiện vật càng khẳng định thêm những giá trị độc đáo của khu tháp Dương Long. Chỉ tính riêng cuộc khai quật khu tháp Dương Long lần gần đây nhất, đã phát hiện đến 700 hiện vật điêu khắc đá trang trí, trong đó có hàng chục tượng thần còn nguyên vẹn có giá trị nghệ thuật cao. Từ năm 2006 đến nay, Dự án trùng tu, tôn tạo tháp Dương Long đã nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chỉ đạo Sở VH-TT&DL tiến hành cẩn trọng theo đúng quy trình, thủ tục, đảm bảo tính khoa học và hiệu quả để bảo tồn và phát huy tốt hơn giá trị di tích phục vụ du khách trong thời gian tới.
Thủ tướng cũng quyết định công nhận 25 Bảo vật quốc gia (đợt 4) cho các hiện vật, nhóm hiện vật ở các bảo tàng, khu di tích trong nước. Tỉnh Bình Định có 1 bảo vật quốc gia được công nhận trong đợt này là phù điêu nữ thần Mahishasuramardini (nữ thần diệt quỷ). Phù điêu nữ thần được làm bằng chất liệu đá sa thạch nặng 200kg, cao 1,27m, rộng đế 1,15 m, dày 9 cm (nơi dày nhất 13 cm) được người dân phát hiện tại gò Núi Cấm (thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) trong khi khai thác gạch để xây dựng, sau đó giao nộp cho nhà nước và được đem về trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Tác phẩm phù điêu là một lá nhĩ chóp nhọn, dùng trang trí bên trên cửa ra vào của ngôi tháp Chăm, thể hiện nữ thần đứng múa trên đôi chân khuỳnh ra, mười cánh tay nữ thần cầm các vật biểu trưng... còn nguyên vẹn, ngoại trừ một vài chỗ bị vỡ do bị va đập trong quá trình đổ sập của ngôi tháp.
Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini có niên đại thế kỉ XII, được các nhà nghiên cứu nhận xét là tác phẩm đỉnh cao trong nghệ thuật điêu khắc Champa Bình Định, chứng tỏ người nghệ nhân thời kì này đã đạt đến trình độ điêu luyện. Phù điêu nữ thần này cũng được đánh giá đẹp nhất, hoàn chỉnh nhất và lớn nhất được tìm thấy trong nước cho đến nay.
MAI THƯ