Vẫn “nóng” trợ cấp đi học
Chiều 24.12, các đại biểu vẫn tiếp tục dành nhiều thời gian thảo luận Tờ trình về quy định chính sách trợ cấp đối với CBCC được cử đi đào tạo.
Cân nhắc các điều khoản ràng buộc
Theo ĐB Phan Trọng Hổ (An Nhơn), nếu trợ cấp cho cán bộ đi học nước ngoài kinh phí tỉnh bỏ ra rất lớn, do vậy người được cử đi học buộc phải học đúng chuyên ngành, học về phải phục vụ cho đơn vị cử đi. Ông Hổ cho biết thêm, 5 năm qua, Sở NN&PTNT cử 4 cán bộ đi học nước ngoài thì có trường hợp học không đúng chuyên ngành đã đăng ký. Khi biết thì chuyện đã rồi, trong khi bình quân một cán bộ đi học nước ngoài tốn 1 tỉ đồng/năm/người. Vì vậy, Tờ trình phải quy định rõ ràng người đi học buộc học đúng chuyên ngành mà đơn vị cử đi học thì mới được nhận tiền hỗ trợ; thời gian làm việc tại đơn vị phải từ 10 năm trở lên chứ không thể chỉ là gấp đôi số năm đào tạo như Tờ trình nêu.
ĐB Đỗ Thị Diệu Hạnh (Hoài Ân) đóng góp ý kiến Tờ trình của UBND tỉnh về quy định chính sách trợ cấp đối với cán bộ công chức, viên chức được cử đi đào tạo. Ảnh: VĂN LƯU
Trên cương vị Chủ tịch UBND tỉnh, ĐB Hồ Quốc Dũng (Phù Cát) giải thích từ những bất cập của Quyết định 44 và 45/2007 của UBND tỉnh trước đây, nhất là có quá nhiều thạc sĩ trái chuyên ngành, nên Tờ trình này đã quy định đối tượng đi học phải do UBND tỉnh duyệt. Học đúng ngành, nghề mà đơn vị cử đi chứ không học tràn lan như trước.
Trước ý kiến một số ĐB băn khoăn đối tượng được cử đi đào tạo tốt nghiệp trước ngày 1.1.2016 chưa được hưởng chính sách trợ cấp một lần của tỉnh sẽ tiếp tục được xét hưởng theo Quyết định 44/2007/QĐ-UBND là bất cập, chưa công bằng- nhất là đối với đào tạo tiến sĩ (vì thực tế có người cùng đi học một lúc nhưng do ngành học người tốt nghiệp trước, người tốt nghiệp sau), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Đông Hải cho rằng, nên căn cứ thời điểm đi học theo quyết định nào thì hưởng chế độ theo quyết định đó, chứ không nên “chuyển tiếp” cho hưởng chế độ như trong Tờ trình.
Từ thống kê của Sở KH-CN, ngoài 430 hồ sơ đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ nhân lực trình độ cao theo Quyết định 44/2007/QĐ-UBND còn tồn mà tỉnh tạm dừng chưa giải quyết, chưa kể thêm sắp tới còn có khoảng 600 bộ hồ sơ nữa, do đó ĐB Nguyễn Minh Phụng (Phù Cát) đề xuất, tỉnh nên cẩn trọng nghiên cứu, rà soát lại Tờ trình cho chặt chẽ, đúng quy định, và có quy định cam kết nếu không trở về làm việc cho tỉnh thì phải đền bù rõ ràng, không nên vội thông qua để tránh hỗ trợ tràn lan. Còn theo ĐB Tôn Thất Thảo (Hoài Nhơn), CBCC được cử đi học chỉ nên hưởng một trong hai chế độ, nhận một lần hoặc là được tỉnh hỗ trợ hoàn toàn trong thời gian đi học vì ngân sách tỉnh có hạn. Người đi học trước hết là lợi cho bản thân người đó, sau đó là phục vụ yêu cầu công việc của đơn vị.
Người trẻ phạm tội, vi phạm pháp luật lao động: đáng lo ngại!
Đây là vấn đề được các ĐB quan tâm trong hai ngày thảo luận tổ vừa qua. Trước con số thống kê 12,5% bị cáo đưa ra xét xử trong năm 2015 là trẻ vị thành viên, ĐB Phạm Hồng Sơn (Quy Nhơn) cho rằng đây là một con số đáng báo động và đáng để cho xã hội phải quan tâm, từ đó đề ra những giải pháp ngăn ngừa hiệu quả tình trạng thanh thiếu niên phạm tội. ĐB Võ Vinh Quang (An Nhơn) phản ánh thêm tình trạng mất ANTT, ăn cắp vặt, trộm chó ở vùng nông thôn ngày càng gia tăng và rất manh động. Đề nghị Công an tỉnh và các ngành chức năng cần đưa ra những giải pháp, chỉ đạo quyết liệt cấp xã, huyện xử lý, đem lại niềm tin, bình an cho người dân.
ĐB Lê Thanh Long (Tuy Phước) cũng đề nghị ngành chức năng cần có biện pháp hạn chế tình hình TNGT chết người trên các tuyến QL1A, QL19 đang diễn biến phức tạp, chiếm 55,77% tổng số người chết trong năm qua (111 người/199 người). “Một số đoạn đường làm không thấy gác chắn, không biển báo giao thông. Đường làm xong, thuận lợi chưa phát huy nhưng tồn tại không giải quyết, số người chết do TNGT tăng. Hiện nay, giao thông tại khu vực cầu vượt QL19 (Phước Lộc, Tuy Phước) hết sức hỗn loạn”, ông Long phản ánh.
Tình hình tranh chấp lao động, tai nạn lao động (TNLĐ) trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, ĐB Nguyễn Tuấn Thanh (Vĩnh Thạnh), Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, đề nghị tỉnh cần có biện pháp hạn chế và xử lý nghiêm các đơn vị, doanh nghiệp để xảy ra TNLĐ, hạn chế tranh chấp lao động. Trong năm 2015 đã xảy ra 12 vụ TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng làm chết 13 người. Ngoài ra, có 5 vụ tranh chấp lao động và có 18 đơn vị, doanh nghiệp vi phạm, liên quan đến chế độ chính sách đối với người lao động, như: nợ lương, không đóng BHXH, không trả chế độ cho lao động sau khi thôi việc.
T.HÀ - N.PHÚC - H.YẾN - K.ANH