Đưa thông tin về vùng sâu, vùng xa:
Rút ngắn khoảng cách về hưởng thụ thông tin giữa các vùng miền
Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2012 - 2015 được thực hiện đã góp phần đáng kể vào việc xây dựng và phát triển mạng lưới thông tin cơ sở, rút ngắn khoảng cách về hưởng thụ thông tin, tuyên truyền giữa các vùng miền. PV Báo Bình Định đã trao đổi với ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Sở TT-TT, xung quanh vấn đề này.
Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông cơ sở là điều kiện quan trọng để Chương trình phát huy hiệu quả thật sự.
- Trong ảnh: Cán bộ đài truyền thanh xã Canh Hiển, huyện Vân Canh, đang làm việc.
Theo ông Nguyễn Chí Cường, Chương trình là cơ sở để tăng cường tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc ít người trên địa bàn tỉnh.
* Trong năm 2012, Bình Định được phân bổ hơn 4 tỉ đồng để thực hiện 3 dự án của Chương trình. Chúng ta đã làm gì với nguồn đầu tư đó, thưa ông?
- Với dự án tăng cường cán bộ thông tin và truyền thông, chúng tôi đã mở lớp đào tạo nghiệp vụ truyền thông kỹ thuật và lớp nghiệp vụ viết, biên tập tin, bài, xây dựng chương trình phát thanh cho cán bộ làm công tác truyền thông cấp xã, mỗi lớp 80 người trong thời gian 7 ngày.
Giai đoạn 2013-2015, Bình Định thực hiện một số nội dung chính thuộc dự án tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông như: nâng cấp 18 đài truyền thanh cấp xã; thiết lập 60 trạm truyền thanh thôn, làng; hỗ trợ thiết bị thu tín hiệu, thiết bị nghe - xem, thiết bị phụ trợ tại 75 điểm sinh hoạt dân cư cộng đồng của các thôn, làng; 10 đồn biên phòng xa trung tâm xã, ưu tiên địa bàn thuộc các huyện nghèo. Đồng thời, hỗ trợ thiết bị thu tín hiệu, thiết bị nghe - xem và thiết bị phụ trợ cho khoảng 8.500 hộ gia đình diện chính sách, hộ nghèo…
Trong dự án tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông, đã có 6 đài truyền thanh xã được đầu tư thiết lập mới ở xã Nhơn Châu (TP Quy Nhơn), Canh Thuận (Vân Canh), Tây Thuận (Tây Sơn), Mỹ Thọ (Phù Mỹ), Bok Tới (Hoài Ân) và Hoài Sơn (Hoài Nhơn). Đồng thời, nâng cấp cho hai đài truyền thanh huyện Vĩnh Thạnh và An Lão. Tổng kinh phí thực hiện dự án này là 3,4 tỉ đồng.
Còn dự án tăng cường nội dung thông tin và truyền thông, chúng tôi đã phối hợp sản xuất 2 ấn phẩm truyền thông và 2 chương trình phát thanh - truyền hình phục vụ người dân ở các khu vực nói trên và chuyển về cho các đài huyện, đài xã phát lại.
* Quá trình triển khai Chương trình, chúng ta đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc nào, thưa ông?
- Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Chương trình, các văn bản hướng dẫn do Bộ, ngành ban hành về địa phương còn chậm. Từ đó, công tác triển khai, thực hiện Chương trình ở tỉnh ta còn lúng túng. Bên cạnh đó, quyết định bố trí vốn thực hiện Chương trình chậm, nên việc giải ngân gặp khó khăn, đặc biệt với dự án tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các công trình.
* Thời gian đến, tỉnh ta sẽ có những giải pháp nào để đạt được các mục tiêu của chương trình?
- Mục tiêu đến năm 2015, phát triển nguồn nhân lực làm công tác thông tin, tuyên truyền cơ sở đảm bảo 100% cán bộ thuộc đối tượng chương trình được đào tạo bồi dưỡng kỹ năng thông tin và truyền thông; 100% xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh cơ sở; đảm bảo các thôn bản thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn có thể thu được tín hiệu; hỗ trợ thiết bị nghe nhìn cho các hộ gia đình…
Năm 2013, Bộ TT-TT cho dừng dự án tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông tại Bình Định, để đầu tư cho các địa phương khó khăn hơn. Do đó, bên cạnh nguồn hỗ trợ Trung ương, cần phát huy tinh thần tự lực của địa phương từ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, huyện, thị xã và các xã thực hiện Chương trình.
Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ngắn hạn cho cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở theo chương trình khung, tài liệu bồi dưỡng đã được biên soạn. Đồng thời sản xuất chương trình truyền hình tiếng dân tộc, hỗ trợ sản xuất các ấn phẩm truyền thông và phát sóng truyền hình tiếng dân tộc với thời lượng trung bình 10 phút/tháng cung cấp các thông tin chuyên đề phục vụ đồng bào các địa bàn nói trên.
* Xin cảm ơn ông!
SAO LY (thực hiện)