Án mạng từ tiếng nẹt pô và... “nhìn đểu”
Vụ án mạng xảy ra tối ngày 2.12 tại thôn Tân Dương, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn khiến dư luận bàng hoàng. Hậu quả nghiêm trọng đó bắt nguồn từ nguyên nhân rất đơn giản là tiếng nẹt pô và cái nhìn không thiện cảm.
Sau khi ăn giỗ tại nhà người thân trong thôn, Nguyễn Hoài Nhựt (SN 1994) chở Ngô Tuấn Quan (SN 1997) đến tiệm internet 69. Quan vào chơi game, còn Nhựt tiếp tục lấy xe đi dạo. Khi xe chạy qua tiệm internet 949 cách đó 20m, Nhựt nẹt pô xe rất to. Lúc này, Nguyễn Hoàng Lợi (SN 1998, trú thôn Tân Dân) đứng trước tiệm nhìn theo. Cho rằng ánh mắt của Lợi “kênh kiệu” nên Nhựt quay xe lại gây chuyện và 2 bên thách đố nhau. Nhựt rủ Quan đánh Lợi nhưng được mọi người can ngăn.
Biết chuyện bạn mình có người dọa đánh, Nguyễn Hữu Tiến (SN 1994 - bạn Lợi) đang chơi game trong tiệm 949 xông ra đuổi đánh làm Nhựt và Quan bỏ chạy vào tiệm 69 lẩn trốn. Tiến chạy về nhà mang theo rựa và rủ Trần Công Thịnh và một số người bạn đến đánh; Nhựt và Quan cũng gọi điện báo đồng bọn đến ứng cứu.
Sợ ảnh hưởng đến mình, chủ tiệm internet 949 điện báo cho em ruột là Nguyễn Minh Hiểu về can thiệp và Hiểu nhờ nhóm thanh niên ở thôn Quảng Nghiệp (xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước), trong đó có Phan Tấn Đăng (SN 1989, trú xã Hà Tam, Đắk Pơ, Gia Lai) đến thị uy.
Thế là 3 nhóm thanh niên gặp nhau gây nên một cuộc hỗn chiến kinh hoàng với các loại hung khí từ dao, rựa, mã tấu, cây gậy, gạch đá, khiến hàng chục người bị thương. Trong lúc đánh nhau, Phan Tấn Đăng đã dùng dao đâm chết Trần Công Thịnh.
Đây là vụ án giết người thứ 13 trong năm 2015. Đó là chưa kể đến 175 vụ cố ý gây thương tích với nhiều đối tượng bị thương, mà nguyên nhân chỉ là xuất phát từ những “câu nói”, “ánh mắt”, cú va quẹt xe… rất đỗi bình thường nhưng bị cho là thiếu thiện chí. Trong đó, các vụ đánh nhau do các băng nhóm thanh niên gây ra phần lớn là do mâu thuẫn bộc phát tức thời, thiếu kiềm chế. Như vụ 2 nhóm với trên 10 thanh niên ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, sau khi ăn nhậu thì “nhìn nhau gai mắt” rồi khích bác và đánh nhau, với các loại hung khí chuẩn bị sẵn, làm Phan Hoàng Khương (SN 1999, ở xã Ân Tường Đông) chết tại chỗ.
Có ý kiến cho rằng, không thể phòng ngừa những vụ việc như thế này khi mọi chuyện diễn ra trong tích tắc, nhất là do các băng nhóm gây nên với các loại hung khí được chuẩn bị từ trước. Phần lớn các đối tượng này, ít nhiều đều có tiền án, tiền sự ở địa phương. Thế nhưng do CA cơ sở chưa lập hồ sơ giáo dục, răn đe trước dân, hoặc thông báo cho gia đình để phối hợp quản lý nên khả năng kiềm chế rất hạn chế. Đó là chưa kể, khi sự cố xảy ra, lực lượng công an ở địa phương can thiệp rất chậm trễ. Như vụ việc khiến Trần Công Thịnh bị thiệt mạng, nếu được can thiệp kịp thời, hậu quả có thể đã không nghiêm trọng đến thế.
Mấy năm qua, với chủ trương tăng cường lực lượng cho cơ sở của lãnh đạo CA tỉnh, nhiều trinh sát hình sự đã được đưa về cắm chốt, phối hợp với trinh sát địa phương, kịp thời giải quyết các điểm nóng, răn đe các đối tượng, hỗ trợ cho phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, làm giảm một số loại tội phạm ở một số địa phương. Điều đó chứng minh rằng, ở đâu cấp ủy, chính quyền quan tâm xây dựng tốt phong trào toàn dân “tự quản”, “tự phòng”, giải quyết tốt những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân, giữa các nhóm thanh niên, trong từng gia đình ngay từ ban đầu thì ở đó bạo lực sẽ được ngăn chặn, các vụ án mạng đau lòng sẽ không xảy ra.
DANH NHÂN