Chủ tịch nước: Cưỡng chế di dời nên đợi sau Tết
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, trong trường hợp phải cưỡng chế di dời các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án thì nên đợi sau Tết là hợp lý.
Chiều 25.12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh về giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tại TP.HCM chiều 25.12.
Liên quan đến khiếu nại tại dự án 1Bis - 1Kép, đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 1), hiện đã có 148 hộ trên tổng số 219 hộ đã di dời. Tuy nhiên, 148 hộ này đang khiếu nại đồng loạt khi cho rằng, họ di dời trước nên bị bồi thường ở mức giá thấp (từ 1,8 - 2,6 triệu đồng/m2), sau đó được chi trả bổ sung với đơn giá 11,52 triệu đồng/m2, thấp hơn rất nhiều so với mức 48 triệu đồng/m2 mà 71 hộ di dời sau được hưởng. Do đó, 148 hộ này yêu cầu phải bồi thường theo đơn giá 48 triệu đồng/m2. Đối với dự án Tứ giác Bến Thành (quận 1) do Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư, 23 hộ dân bị giải tỏa bởi dự án này đã có đơn khiếu nại, khởi kiện với các nội dung như không đồng ý giá bồi thường, hỗ trợ về đất và xây dựng; yêu cầu bồi thường phần diện tích sử dụng chung của chung cư; đề nghị được tái định cư tại chỗ; đề nghị được hỗ trợ tiền thuê nhà tạm cư; đề nghị được góp vốn vào dự án. Liên quan đến khiếu nại của 148 hộ dân thuộc dự án 1Bis - 1Kép, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa cho biết, từng thời điểm có đơn giá bồi thường khác nhau, hướng giải quyết là phải đảm bảo công bằng. Trong khi đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đặt vấn đề, nếu lấy mặt bằng giá bồi thường hiện nay là 48 triệu đồng/m2 thì những hộ di dời trước có bị thiệt hại không, cần phải chứng minh thiệt hại mới thuyết phục. Còn liên quan đến dự án Tứ giác Bến Thành, ông Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, dự án này có phần đất công mà các hộ dân đã sử dụng chung. Theo ông Lịch, người dân yêu cầu bồi thường phần diện tích chung này bởi họ cho rằng phần đó đã vào túi chủ đầu tư. "Phải minh bạch phần đất này, nếu chủ đầu tư mua lại của nhà nước thì số tiền nộp ngân sách là bao nhiêu, phải công khai", ông Trần Du Lịch đề nghị. Tại buổi làm việc, các đại biểu và UBND TP Hồ Chí Minh đã thống nhất, trong trường hợp có thể tháo gỡ được thì tháo gỡ tối đa theo hướng có lợi cho người dân, vận dụng linh hoạt các chính sách của thành phố để đáp ứng những yêu cầu chính đáng của những hộ bị giải tỏa, di dời. Đối với trường hợp những khiếu nại không có cơ sở, không đúng với quy định của pháp luật buộc phải cưỡng chế di dời, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị, nên để sau Tết Nguyên đán cưỡng chế là hợp lý.
Theo Nguyễn Lê (Hà Nội mới)