Nhà hát tuồng Ðào Tấn: Đưa âm nhạc truyền thống đến với du khách
Nhà hát tuồng Ðào Tấn vừa xây dựng chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc phục vụ khách du lịch. Các tiết mục biểu diễn đã được đầu tư về chất lượng nhằm giới thiệu đến với du khách trong nước và quốc tế những nét đặc sắc của âm nhạc truyền thống.
Tiết mục độc tấu 6 trống “Biển quê tôi”.
Hơn nửa tháng qua, các nhạc công của Nhà hát tuồng Đào Tấn đã nỗ lực tập luyện để có được chương trình biểu diễn báo cáo tổng duyệt (vào ngày 24.12) gồm 7 tiết mục biểu diễn nhiều loại nhạc cụ. Mở màn chương trình, dàn nhạc đã hòa tấu nhạc cung đình với các nhạc khúc Lưu Thủy, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ. Tiếp nối là tiết mục song tấu “Đất lửa thiêng” (NSƯT Gia Thiện sáng tác) có sự hòa quyện giữa tiếng trống chiến của nghệ sĩ Văn Công và tiếng kèn sô na của nghệ sĩ Vĩnh Phong, đã chuyển tải bằng âm nhạc sự bùng cháy của những ngọn lửa thiêng liêng truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại. Tiết mục độc tấu đàn nhị “Vọng mãi ngàn năm”qua ngón đàn tài hoa của NSƯT Ngọc Châu đã đem đến những cảm xúc sâu lắng…
Gây nhiều ấn tượng cho người xem là các tiết mục biểu diễn trống mạnh mẽ, cuốn hút. Tiết mục hòa tấu trống “Những chàng trai Tây Sơn”được NSƯT, nhạc sĩ Gia Thiện sáng tác trên nền tảng âm nhạc trống trận Tây Sơn, nhưng cách dàn dựng biểu diễn khác hơn. Tiết mục này đã thể hiện tài năng của nhạc công trống kỳ cựu Triều Dâng cùng sự hỗ trợ của các nhạc công khác và màn múa cờ Tây Sơn phụ họa làm cho sinh động, hấp dẫn. Tiết mục độc tấu 6 trống “Biển quê tôi” do nghệ sĩ Trung Nghĩa sáng tác và trực tiếp biểu diễn cũng khai thác nhạc võ Tây Sơn, nhưng lại là thể hiện những âm thanh trên biển, lao động của ngư dân...để hướng về biển đảo quê hương, đất nước. Chương trình phục vụ du khách còn thêm phần đa dạng với các tiết mục độc tấu đàn bầu, hòa tấu liên khúc dân ca 3 miền.
Tại buổi biểu diễn tổng duyệt, lãnh đạo Sở VH-TT&DL cùng các nghệ sĩ, cán bộ chuyên môn của Sở đã có những ý kiến đóng góp thiết thực về chương trình biểu diễn của Nhà hát tuồng Đào Tấn. Nhạc sĩ, NSƯT Đào Duy Kiền góp ý: “Qua biểu diễn phục vụ khách du lịch, các nhạc công biểu diễn nhiều tiết mục âm nhạc truyền thống phong phú hơn chứ không chỉ nhạc tuồng, nên góp phần nâng cao tay nghề. Chương trình biểu diễn của Nhà hát nên chú trọng vào âm nhạc mang nét đặc trưng riêng của Bình Định nói chung và nghệ thuật tuồng nói riêng để phù hợp với dàn nhạc hiện có và tạo được ấn tượng đối với du khách”.
Bà Huỳnh Thị Kim Bình, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bình Định, cũng góp ý về việc nâng cao chất lượng các tiết mục qua cách biểu diễn lôi cuốn, có thêm thuyết minh về tiết mục, đầu tư trang phục, nhạc cụ và cả ghế ngồi cho nhạc công sao cho đồng bộ, đẹp mắt...
NSƯT Gia Thiện, Phó giám đốc phụ trách Nhà hát tuồng Đào Tấn, chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên Nhà hát xây dựng riêng một chương trình nhạc cụ dân tộc một cách bài bản phục vụ du lịch. Sau khi nhận được góp ý, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hơn chất lượng nghệ thuật của chương trình để đáp ứng tốt nhu cầu thưởng thức âm nhạc truyền thống của du khách, đồng thời những tiết mục này cũng sẽ tham gia Liên hoan Hòa tấu- Độc tấu nhạc cụ dân tộc được Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức trong thời gian tới”.
HOÀI THU