Chuyện tưởng mà... không nhỏ
Viêm nhiễm phụ khoa là bệnh phổ biến ở phụ nữ, không chỉ gây cảm giác khó chịu, mất tự tin mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống lứa đôi, thậm chí có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng...
Chuyện khó nói
Gần 3 tháng qua, chị Cẩm Xuyến (37 tuổi, phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn) đau đầu với chuyện “ngứa trong mình”, nhất là sau những ngày “đèn đỏ”. Ban đầu chị lên mạng, tra cứu các cách chữa dân gian như ngâm bằng lá trầu không, vệ sinh hàng ngày bằng nước trà xanh, nhưng vẫn không thấy giảm. Cuối cùng chị viện đến Tây y, bác sĩ cho chị làm xét nghiệm, rồi cho thuốc đặt, thuốc uống, hẹn nửa tháng tái khám. Chị Xuyến đang thực hiện nghiêm các chỉ dẫn của bác sĩ với hy vọng sẽ không còn phải chịu đựng lâu chuyện khó chịu này nữa.
Nhân lúc “tám” với các chị em thân quen khác, chị Xuyến mới vỡ lẽ rằng nỗi khổ này không phải chỉ riêng mình mà hầu hết phụ nữ cũng đều phải một vài lần mắc phải. “Em bị triệu chứng như chị đã mấy năm nay rồi, chữa mãi nhưng không dứt được. Nản lòng nên em chẳng theo một bác sĩ nào nữa. Mỗi khi ngứa chịu không nổi lại ra tiệm thuốc Tây khai bệnh mua thuốc về nhà tự đặt, tự uống vậy”, một người quen của chị nói vậy.
Theo bác sĩ CKII, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Nguyễn Thị Bích, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm nhiễm phụ khoa, như tinh thần căng thẳng, stress kéo dài kèm sức đề kháng yếu, hoặc do mất cân bằng nội tiết tố như tiền mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt không đều. Phụ nữ, đặc biệt sau khi đã lập gia đình hoặc đã có quan hệ tình dục, nguy cơ bị viêm nhiễm cũng cao hơn. Thậm chí có người còn bị viêm nhiễm nặng do cơ thể không hợp với vòng tránh thai.
Trong trường hợp của chị Tuyết Hồng, 30 tuổi, ở phường Nguyễn Văn Cừ, Quy Nhơn thì đúng là như vậy. Từ ngày đặt vòng, chị thường xuyên bị viêm nhiễm vùng kín dù luôn vệ sinh sạch sẽ. Ban đầu, mỗi khi thấy vùng kín bị ngứa, chị lại tự mua thuốc về đặt, nhưng càng về sau bệnh càng nặng. Chị đi khám thì được bác sĩ giải thích là cơ thể không thích ứng với vòng tránh thai nên phải tìm biện pháp tránh thai khác.
Không nên chủ quan
Theo Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, từ đầu năm 2015 đến hết tháng 11.2015, đã có trên 98.000 lượt người đến các bệnh viện, trung tâm y tế các tuyến từ huyện đến tỉnh khám phụ khoa, trong đó có khoảng 36.000 lượt người phải điều trị bệnh. Đáng chú ý, trong số 1.716 ca thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng phương pháp phiến đồ âm đạo Pap Smear truyền thống và Liqui - PREP, công nghệ tế bào thế hệ mới, tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, đã phát hiện 18 ca bất thường.
Theo bác sĩ Bích, bệnh liên quan đến sức khỏe sinh sản phụ nữ không chừa bất cứ độ tuổi nào, đặc biệt người đã có quan hệ tình dục thì nguy cơ bị viêm nhiễm, mắc bệnh cao hơn, nhưng cũng không loại trừ trường hợp bị viêm nhiễm do dị ứng với các chất liệu của đồ lót, băng vệ sinh và lạm dụng dung dịch tẩy rửa dành cho phụ nữ. “Tuy nhiên, bởi đây là việc rất tế nhị nên chị em có tâm lý e ngại, ngại đến các cơ sở y tế khám mà thường tự ý mua thuốc đặt, uống, ai bày gì làm nấy. Việc này, có thể gây ra hậu quả là cơ thể kháng thuốc, rất khó điều trị sau này. Người đến Trung tâm khám và chữa bệnh phụ khoa thường có dấu hiệu nặng”, bác sĩ Bích nhận xét.
Bác sĩ Bích cũng khuyến cáo thêm, trong trường hợp bị viêm nhiễm cần đến cơ sở điều trị, người bệnh đừng nên e ngại, đồng thời cần phải kiên trì điều trị theo đúng chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, nên phòng ngừa bệnh bằng cách thường xuyên đi khám, kiểm tra định kỳ phụ khoa 6 tháng/lần, khi có dấu hiệu bất thường lập tức đi khám bệnh, đồng thời cũng nên tầm soát ung thư cổ tử cung. Người đặt vòng tránh thai nên kiểm tra thường xuyên 6 tháng/lần; thay vòng tránh thai theo định kỳ, không nên để quá lâu.
Cũng theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, việc vệ sinh hàng ngày không đúng cách cũng có thể gây nên tình trạng viêm nhiễm. Thậm chí người quá sạch sẽ, lạm dụng các dung dịch tẩy rửa dành cho phụ nữ cũng có thể bị viêm nhiễm phụ khoa. Chị em nên mặc quần lót có chất liệu bằng cotton thoáng mát, không nên bó sát; sau khi đi vệ sinh phải dùng khăn sạch lau khô. Việc sử dụng các bài thuốc dân gian trị viêm nhiễm như rửa bằng lá trầu không, lá trà xanh, nước muối loãng... cũng tốt nhưng nên cẩn thận, tránh lợi bất cập hại.
YẾN HÀ
Một số sai lầm trong vệ sinh vùng kín cần tránh
1. Rửa bằng xà phòng, sữa tắm hay chất tẩy rửa mạnh: Ðây là sai lầm thường gặp, nhất là trong mùa hè. Nhiều phụ nữ tranh thủ lúc tắm thì vệ sinh luôn vùng kín bằng sản phẩm đang dùng. Tuy nhiên, những sản phẩm này có tính sát khuẩn cao sẽ làm thay đổi độ pH trong âm đạo, gây mất cân bằng sinh lý vừa dẫn đến dễ bị viêm nhiễm vừa ảnh hưởng trực tiếp tới quan hệ tình dục.
2. Ngâm vùng kín trong nước: Nhiều người có thói quen thích ngâm người trong bồn tắm, hoặc vệ sinh vùng kín bằng cách ngâm trong nước. Cách này vô tình làm những vi khuẩn có sẵn trong hậu môn được dịp lan ra nước và tấn công lại vùng kín.
3. Rửa bằng vòi nước mạnh: Cách này sẽ khiến các vi khuẩn có lợi bị đánh bật ra ngoài, vùng nhạy cảm dễ có nguy cơ bị viêm nhiễm hơn do không được chúng bảo vệ.
4. Sử dụng dung dịch vệ sinh không phù hợp: Ðây là sai lầm của nhiều chị em. Trên thị trường cho nhiều loại dung dịch vệ sinh phụ nữ nhưng mỗi loại có công dụng, chức năng khác nhau. Có loại chuyên dùng để trị bệnh viêm nhiễm. Do vậy, khi lựa chọn dung dịch vệ sinh, nên đọc kỹ thành phần hoặc tham vấn ý kiến thầy thuốc để lựa chọn sản phẩm thích hợp.
T.H (Theo laodong.com)
Chưa lúc nào, bạn đọc chúng tôi cảm nhận sự nhàm chán trên thông tin báo bình định như hiện nay. Bài viết này là ví dụ rõ ràng, sự lòng vòng, viết nhiều vấn đề vẩn vơ, thiếu thực tế. Chẳng có bài viết nào mang dấu ấn xã hội. Cứ cái đà này, báo chí kiểu ăn suông, nói kẽ. Mong sao thời gian tới báo bình định có 1 vài bài chất lượng để còn thu hút bạn đọc. Giờ lật trang báo ra, tôi chỉ còn dành vài phút để coi trang bạn đọc, vì chí ít còn có cái để đọc. Chưa bao giờ thấy báo bình định nhàm chán như 1 năm gần đây.