Tập trung tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội
Trước thềm năm bản lề của giai đoạn 2016 - 2020, ngành LÐ-TB&XH Bình Ðịnh xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục tạo việc làm, đảm bảo an sinh nhằm góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch KT-XH của tỉnh. PV Báo Bình Ðịnh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LÐ-TB&XH về những vấn đề này.
Vừa qua, Tập đoàn FLC đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (thuộc Sở LĐ-TB&XH) tổ chức Ngày hội phỏng vấn, thu hút hơn 1.000 lao động địa phương.
● 2015 là năm đánh dấu mốc 40 năm thực hiện chính sách ưu đãi người có công trên địa bàn tỉnh. Xin ông chia sẻ một số kết quả trên lĩnh vực này?
- Qua 40 năm thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, tỉnh ta có hơn 160 ngàn người được xác nhận có công với cách mạng. Công tác quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sĩ cũng được địa phương triển khai thực hiện tích cực, kịp thời. Toàn tỉnh hiện đang quản lý trên 29.000 mộ liệt sĩ, 105 nghĩa trang liệt sĩ, công trình đài tưởng niệm. Hiện nay, ngành LĐ-TB&XH tỉnh đang thực hiện quản lý chi trả trợ cấp hàng tháng cho trên 38.000 người có công và thân nhân.
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tỉnh ta đã triển khai sâu rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với nhiều hoạt động phong phú: lập Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, tặng vườn cây tình nghĩa, “Áo lụa tặng bà”, “Áo ấm tặng mẹ”... Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng. Đến nay, cơ bản các Bà mẹ Việt Nam anh hùng vừa được phong tặng đều đã được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng suốt đời; xây mới và sửa chữa hơn 2.900 ngôi nhà tình nghĩa, với số tiền trên 80,5 tỉ đồng.
● Công tác lao động, dạy nghề đã có những chuyển biến tích cực, thưa ông?
- Năm nay, công tác lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực khi đạt 100% kế hoạch giải quyết việc làm, 100,5% kế hoạch đào tạo, tập huấn nghề.
Toàn tỉnh có 29.602 lao động được tạo việc làm mới nhờ vào tăng trưởng kinh tế cùng với các cơ chế chính sách, giải pháp hỗ trợ việc làm. Đáng mừng, công tác xuất khẩu lao động khá nổi bật khi có 292 người đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, đạt 116,8% kế hoạch; trong đó có 220 lao động sang thị trường “khó tính” Nhật Bản.
Về lĩnh vực dạy nghề cho lao động nông thôn, tiếp tục thực hiện việc phân cấp, lấy cấp huyện làm cấp kế hoạch, cấp xã là cấp thực hiện, triển khai theo mô hình kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền xã, người học nghề, cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp tiếp nhận, đảm bảo lao động có việc sau khi học nghề. Kết quả, toàn tỉnh có 28.643 lao động được đào tạo, bồi dưỡng nghề trong năm 2015, đạt 100,5% kế hoạch; tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề, tập huấn nghề là 46,05%, đạt 100,05% kế hoạch (tăng thêm 2,05% so với năm 2014).
Bên cạnh mặt tích cực, lĩnh vực lao động, dạy nghề cũng tồn tại nhiều thách thức như: việc làm của người lao động ở các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, hải sản, khai khoáng… còn thiếu ổn định; kết quả xuất khẩu lao động vượt kế hoạch đề ra nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh và nguyện vọng của người lao động; năng lực quản lý nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các địa phương gặp nhiều khó khăn do chưa bố trí được cán bộ chuyên trách.
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề nhằm cung ứng cho thị trường nguồn lao động tay nghề cao cũng được chú trọng trong năm 2016.
- Trong ảnh: Giáo viên dạy nghề tham gia Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm cấp tỉnh năm 2015.
● Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch KT-XH của tỉnh trong năm đầu tiên của giai đoạn mới 2016-
2020, ngành LĐ-TB&XH đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ gì thưa ông?
- Năm 2016, ngành LĐ-TB&XH tập trung tạo việc làm mới cho 29.700 lao động (trong đó xuất khẩu lao động từ 250 - 300 người); tuyển mới dạy nghề cho khoảng 27.500 lao động; tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề và tập huấn nghề đạt 48% trở lên. Về công tác giảm nghèo, tỉ lệ hộ nghèo sau cuộc tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều còn 67.500 hộ, chiếm tỉ lệ 16,5%, giảm 1,5%; các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm từ 4-5%; chú trọng nâng cao nhận thức của nhân dân đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo.
Năm 2016, tỉnh ta cũng phấn đấu 98,5% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; 98% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công; huy động Quỹ đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh từ 800 triệu đồng trở lên. Đảm bảo trợ cấp đầy đủ, kịp thời cho các đối tượng bảo trợ xã hội và hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, mất mùa. Đồng thời, chú trọng tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện, ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em: giảm tỉ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống dưới 3%; tăng tỉ lệ số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em lên trên 85%; giảm tỉ lệ tai nạn thương tích trẻ em xuống dưới 3,5%...
Sở LĐ-TB&XH sẽ bám sát cơ sở và những nhiệm vụ trọng tâm để kiểm tra, đôn đốc, chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện những nhiệm vụ liên quan, tích cực tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời các chủ trương, chính sách trên lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
● Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN MUỘI (Thực hiện)