Đăng ký tiêm vắc-xin qua mạng
Ngày 26.12, lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế cho biết, do việc đăng ký tiêm vắc-xin dịch vụ dễ xảy ra lộn xộn, nên giờ thống nhất đăng ký qua website, qua email. Trong khi đó, lãnh đạo Cục Quản lý Dược thông báo đang tìm cách nhập thêm vắc-xin, đồng thời công khai minh bạch 161 điểm tiêm dịch vụ trên toàn quốc.
Sau sự cố hỗn loạn vì chen chúc đăng ký tiêm vắc-xin 5 trong 1 Pentaxim xảy ra tại Hà Nội, sáng 26.12, Bộ Y tế tổ chức họp báo. TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, cho rằng, tâm lý người dân chỉ tin vào vắc-xin dịch vụ cộng với việc trên thế giới chỉ có 2 nhà sản xuất vắc-xin “5 trong 1” là nguyên nhân dẫn tới khan hiếm nguồn cung loại vắc-xin tổng hợp này.
Vẫn thiếu vắc-xin dịch vụ
Theo ông Cường, thiếu vắc-xin “5 trong 1” dịch vụ là do nhu cầu sử dụng tăng trên toàn cầu, nhà sản xuất không đủ để cung ứng. Hiện trên thế giới có 3 nhà sản xuất vắc-xin “5 trong 1”, “6 trong 1” dịch vụ là một hãng của Nhật Bản, hãng GSK của Bỉ và hãng Sanofi của Pháp. Cả 3 nhà sản xuất này đều thông báo không đủ nguồn vắc-xin để cung cấp cho Việt Nam vì phải ưu tiên cho những nước sử dụng vắc-xin Pentaxim trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Ông Cường nói: “Nguồn cung không đủ, các nước đều thiếu, nhưng họ linh hoạt không dùng vắc-xin vô bào thì tiêm loại toàn tế bào. Trong khi đó, người Việt Nam lo ngại tai biến vắc-xin, lại có tâm lý cho rằng, vắc-xin miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng không tốt, còn vắc-xin dịch vụ là tốt, nên chỉ muốn tiêm loại vô bào, càng làm tình trạng khan hiếm hơn”.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, thừa nhận, công tác tổ chức tiêm chủng mở rộng miễn phí chưa được tốt, nên dẫn đến sự so sánh, cho rằng tiêm vắc-xin dịch vụ thì tốt hơn. Ông Phu cho hay, đúng là vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem có thành phần ho gà toàn tế bào gây tỷ lệ phản ứng sốt, đau tại chỗ tiêm nhiều hơn, trẻ quấy khóc nhiều hơn so với vắc-xin dịch vụ “5 trong 1” Pentaxim, khiến nhiều người có tâm lý e ngại. Trước đây, khi chưa có vắc-xin thế hệ mới thành phần vô bào, người dân không có sự so sánh.
Trả lời câu hỏi vì sao hiện nay có sự phân bố không đều vắc-xin, đại diện Bộ Y tế cho biết chỉ kiểm soát về giá, còn việc phân bổ bao nhiêu liều vắc-xin và bán cho ai là do nhà sản xuất và nhà phân phối. Trước nhu cầu vắc-xin dịch vụ tăng cao, ông Cường cho biết, Cục Quản lý Dược đã đàm phán hơn 1 năm nay với Sanofi và công ty này hứa sẽ có thêm vắc-xin cho Việt Nam.
Tuy nhiên, thay vì điều phối thêm vắc-xin cho Việt Nam trong năm nay với số lượng 40.000-50.000 liều, họ lại điều phối đến nước khác, như Thái Lan và Malaysia, trong khi số lượng vắc-xin phân phối cho Việt Nam chỉ khoảng 160.000 liều.
Ông Cường nói: “Các vắc-xin mới về là do Cục đã đi đàm phán từ năm trước. Năm 2016 không cam kết có thêm vắc-xin “5 trong 1”, ngoài 40 ngàn liều sẽ về Việt Nam vào tháng 2/2016. Tình trạng thiếu vắc-xin là thiếu thật, trên toàn hệ thống. Rất khó để 1 cháu bé được tiêm cả 4 mũi dịch vụ”.
Tìm thêm nguồn cung
Lãnh đạo Cục Quản lý Dược cho biết đang tính đến phương án thương thuyết với cơ quan quản lý dược Thái Lan, Malaysia để có thêm nguồn vắc-xin. “Ngoài ra, để đảm bảo, chúng tôi yêu cầu công khai minh bạch 161 điểm tiêm vắc-xin dịch vụ toàn quốc. Ngoài các điểm này mà có vắc-xin để tiêm là bất thường. Còn giá hiện nay vẫn là 630.000 đồng/liều, không có tăng. Nếu phát hiện chỗ nào bán giá cao hơn, chúng tôi sẽ ngừng cấp phép. Nếu không kiểm soát tốt sẽ dẫn đến tình trạng không có vắc-xin cũng khổ mà có rồi thì còn khổ hơn như hiện tượng của mấy ngày vừa qua”, ông Cường nói. Cục Quản lý Dược đề nghị giám đốc các Sở Y tế căn cứ số điểm được phân phối vắc-xin để kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng cò mồi như ở TPHCM.
Ông Cường cho biết đang chờ vắc-xin mới “6 trong 1” do Sanofi sản xuất, được Bộ Y tế thử nghiệm lâm sàng ở Thái Bình với 354 trẻ từ 61 đến 91 ngày tuổi, đến tháng 2/2016 sẽ tiêm đủ 3 mũi cơ bản thử nghiệm trên những trẻ này. Sau 28 ngày sẽ kiểm tra hiệu giá kháng thể, nếu được Hội đồng Y đức chấp nhận thì có thể nghiệm thu vào tháng 6/2016. Nếu chưa đạt thì đến tháng 2/2017 tiêm thêm mũi thứ 4 cho trẻ thử nghiệm, sau đó đánh giá lại.
Đăng ký online
Về việc hỗn loạn xảy ra tại điểm tiêm 182 Lương Thế Vinh, Hà Nội, PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định, trách nhiệm thuộc về Phòng tiêm chủng và dịch vụ Polyvac vì sắp xếp việc đăng ký không khoa học. “Hiện nay, chúng tôi thấy rằng việc đăng ký tiêm dịch vụ là khó nhất, dễ lộn xộn nhất. Sáng chúng tôi đã họp bàn, thống nhất là đăng ký qua website, không thể đáp ứng được 100% nhu cầu và cũng không phân biệt ngoại tỉnh được”, ông Phu nói.
TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, cho biết, sẽ tổ chức đăng ký qua trang web hoặc email để đảm bảo người dân không phải đến xếp hàng. Trung tâm sẽ chốt, ngày giờ tiêm và thông báo công khai trên website các đơn vị và công khai với báo chí. Để chống đăng ký ảo, khi đăng ký cần khai rõ họ tên, ngày sinh của trẻ, họ tên và số chứng minh thư nhân dân của cha mẹ. Khi tới tiêm, cần mang đầy đủ giấy tờ trên để đối chứng.
“Tôi xin khẳng định không có quy định nào phải mang con đến đăng ký tiêm. Chúng tôi cũng đã có khuyến cáo không mang trẻ con đến vì rét buốt như này dễ nhiễm các bệnh hô hấp… Chúng tôi yêu cầu chỉ khi nào đăng ký xong mới được triển khai tiêm, còn không thì không được tiêm… Phải tuyệt đối tránh cò mồi”, ông Phu nói. Nếu bất cứ người dân nào phát hiện cán bộ y tế tuồn vắc-xin ra ngoài để tiêm dịch vụ, tiêm xách tay với giá cao thì cần phản hồi ngay lại Bộ Y tế, ngành y tế sẽ đề nghị cả công an vào cuộc.
Bộ Y tế khuyến cáo, nếu tiêm không đủ mũi mà hết vắc-xin dịch vụ thì có thể tiêm Quinvaxem. Ông Phu lưu ý, khi tiêm phải đảm bảo khám sàng lọc kỹ, trong quá trình tiêm chủng, nếu xảy ra vấn đề gì thì phải giải quyết ngay. Các cơ sở phải mở thêm bàn tiêm, bàn tư vấn và tiếp tục duy trì tiêm Quinvaxem miễn phí song song với tiêm vắc-xin dịch vụ.
Theo Thái Hà (TPO)
Tôi muốn hỏi số điện thoại cụ thể, để tiện gọi hỏi về mũi viêm não Nhật Bản.