70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Quốc hội khóa X (1997 - 2002), Quốc hội khóa XI (2002 - 2007)
Quốc hội khóa X (1997 - 2002)
Được bầu ngày 20.7.1997; có 450 đại biểu. Đồng chí Nông Đức Mạnh là Chủ tịch Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ 9, đồng chí Nguyễn Văn An được bầu làm Chủ tịch Quốc hội.
Trong nhiệm kỳ khóa X, với 11 kỳ họp, Quốc hội đã ban hành 1 bộ luật, 31 luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 39 pháp lệnh. Điểm nổi bật là tại kỳ họp thứ 10 từ ngày 21.11 đến 25.12.2001, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 51/2001/QH10 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992, nhằm thể chế hóa đường lối của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng. Cùng với hoạt động lập pháp, Quốc hội ngày càng chú trọng và chủ động hơn trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, như: Quyết định các kế hoạch phát triển KT-XH, các chương trình mục tiêu quốc gia, tổ chức bộ máy và nhân sự của các cơ quan nhà nước do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, các vấn đề về bảo đảm an ninh, quốc phòng. Hoạt động giám sát của Quốc hội khóa X cũng được triển khai tích cực, có sự đổi mới cả về nội dung và hình thức giám sát. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai chủ động trên nhiều địa bàn, với nhiều chủ thể khác nhau nhằm củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị với tất cả các nước; đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động trên các diễn đàn nghị viện đa phương.
Tỉnh bình định có 8 đại biểu Quốc hội khóa x.
Quốc hội khóa XI (2002 - 2007)
Quốc hội được bầu ngày 19.5.2002, có 498 đại biểu. Đồng chí Nguyễn Văn An được bầu lại làm Chủ tịch Quốc hội. Trong nhiệm kỳ này, số lượng ĐBQH chuyên trách đã tăng lên đáng kể, với 120 vị (chiếm gần 25% tổng số ĐBQH) hoạt động chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội và ở 64 đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong lĩnh vực lập pháp, Quốc hội đã ban hành 84 luật, bộ luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 31 pháp lệnh. Chất lượng các dự án luật, pháp lệnh được thông qua đã bám sát yêu cầu của cuộc sống, xử lý tốt một số vấn đề nhạy cảm và phản ánh đầy đủ hơn thực tiễn xã hội. Hoạt động giám sát có bước đổi mới, nội dung giám sát đã tập trung vào các vấn đề bức xúc được dư luận phản ánh và nhân dân quan tâm, như: Đầu tư dàn trải, thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; triển khai thực hiện một số công trình quan trọng quốc gia; về giáo dục, y tế; phòng, chống tham nhũng, lãng phí... Việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng thực chất hơn, từ tổ chức bộ máy nhà nước, nhân sự cấp cao thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước cho đến chủ trương đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia, phê chuẩn Nghị định thư về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới...
Trong khóa này, Bình Định có 8 đại biểu.
(còn nữa)