Xây dựng nếp sống văn minh trong lễ hội, việc cưới, việc tang ở huyện An Lão: Những chuyển biến tích cực
Từ năm 2006 đến nay, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và hội đoàn thể, người dân trên địa bàn huyện An Lão đã tích cực thực hiện xây dựng nếp sống văn minh trong lễ hội, việc cưới, việc tang đúng với truyền thống tốt đẹp của từng địa phương và nét văn hóa đặc sắc của từng dân tộc.
Qua 10 năm thực hiện Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 25.11.2006 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội tại huyện An Lão đã có những chuyển biến mới đáng ghi nhận: Việc cưới, việc tang, lễ hội cơ bản đã được thực hiện gọn nhẹ hơn trước, giảm dần những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Các phong tục tập quán tốt đẹp được bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa tiến bộ, làm giàu thêm truyền thống văn hóa quê hương, dân tộc; tạo nên sự gắn kết cộng đồng, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương.
Lễ đón dâu của người H’re ở huyện An Lão.
Việc triển khai, thực hiện Quyết định số 308 của Thủ tướng Chính phủ đã được các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện An Lão đồng tình hưởng ứng, có nhiều việc làm sáng tạo mang lại hiệu quả tích cực như phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Chung tay xây dựng nông thôn mới”; “Xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”; “Thanh niên lập thân, lập nghiệp”; “Thanh niên cưới tiết kiệm”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”…
Những năm gần đây, việc tổ chức cưới trên địa bàn huyện An Lão cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng tiết kiệm, vui vẻ. Trước khi tiến hành lễ cưới, các đôi vợ chồng đều đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật, tình trạng tảo hôn dần được xóa bỏ. Nghi lễ cưới cũng chỉ còn gói gọn trong lễ đính hôn và lễ cưới, không còn tình trạng thách cưới, tổ chức đám cưới linh đình, kéo dài trong nhiều ngày, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Việc tổ chức tang lễ khi có người thân trong gia đình qua đời là truyền thống tốt đẹp của dân tộc với tinh thần “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Nghi lễ hậu sự được tiến hành chu đáo, tôn nghiêm có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các hội đoàn thể và cộng đồng dân cư, chôn cất đúng nơi quy định, qua đó đã thắt chặt được tình làng nghĩa xóm. Các hủ tục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số như tổ chức ăn uống linh đình trong đám tang, chia của cho người chết, treo táng xác chết trong “rừng ma” gần khu dân cư đã dần được loại bỏ…
Đặc biệt, hoạt động lễ hội đã được chú trọng phát triển hài hòa cả phần lễ lẫn phần hội, nhiều nghi thức lễ hội truyền thống được phục dựng theo hướng loại bỏ những nghi lễ lạc hậu mang dấu ấn mê tín dị đoan. Ông Hoàng Ngọc Thành, Trưởng Phòng văn hóa thông tin huyện An Lão cho biết: “Huyện bắt đầu tổ chức Lễ hội Văn hóa-Thể thao từ năm 1990, đến năm 2011 đã thực hiện kế hoạch cấp huyện 5 năm tổ chức một lần, mỗi năm tổ chức một lần tại 2/10 xã, thị trấn. Việc tổ chức lễ hội định kỳ tại huyện An Lão đã được đưa vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng và HĐND các cấp. Đây là dịp để cán bộ và nhân dân địa phương giao lưu, nâng cao kiến thức góp phần quan trọng vào việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Điều này còn được thể hiện rõ qua lễ hội dân gian truyền thống của người H,re, Ba Na ở An Lão vẫn được duy trì như lễ xuống đồng, mừng lúa mới, cúng con nước… theo nghi thức gọn nhẹ, đúng quy định của pháp luật và sự cho phép của chính quyền địa phương”.
HOÀNG NAM QUỐC