Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:
Công tác phòng, chống tham nhũng phải được đẩy mạnh hơn, hiệu quả rõ ràng hơn
Ngày 28.12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp phiên thứ 9. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo, chủ trì phiên họp.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, năm 2015 công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng có đổi mới, công khai các vụ án Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc, và kết quả xử lý. Nhiều văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng được khẩn trương xây dựng, ban hành...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp
Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phòng chống tham nhũng có chuyển biến tích cực, chặt chẽ hơn, nhất là phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng. Từ ngày 1.12.2014 đến 30.11.2015, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 216 vụ/460 bị can, viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 266 vụ/591 bị can, tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 235 vụ/531 bị cáo; 8 vụ án trọng điểm được Ban chỉ đạo yêu cầu đưa ra xét xử trước Đại hội XII của Đảng được thực hiện đúng tiến độ, được xã hội đồng tình. Đến nay đã xét xử 6 vụ, 1 vụ đang xét xử, 1 vụ đã có lịch xét xử.
Trong 3 năm qua, từ phiên họp thứ 3 đến nay, Ban chỉ đạo đã đưa 243 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc, thành ủy chỉ đạo, xử lý. Đến nay đã có 63 vụ việc, vụ án giải quyết xong, số còn lại tiếp tục được theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc xử lý theo quy định của pháp luật.
Qua rà soát tổng thể các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội tại địa phương đã giúp đánh giá đúng thực trạng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền với công tác thanh tra kinh tế - xã hội và việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra đối với vụ việc có dấu hiệu phạm tội về tham nhũng, kinh tế...
Tại phiên họp, các thành viên Ban chỉ đạo đã thảo luận về chương trình công tác trọng tâm tập trung vào 9 nhóm giải pháp trong năm 2016. Trong đó, nhấn mạnh, năm 2016 công tác phòng chống tham nhũng cần tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt văn kiện Đại hội XII của Đảng, nhất là những nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, gắn với tiếp tục thực hiện Chỉ thị 03 về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; khẩn trương ban hành và thực hiện quy định về cơ chế chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin về phòng, chống tham nhũng cho báo chí; kịp thời khen thưởng, động viên và có biện pháp bảo vệ những cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện và đấu tranh với hành vi tham nhũng.
Đồng thời, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng; tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương...
Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh công tác phòng, chống tham nhũng phải đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng quy định của pháp luật; phải gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Một trong những mục tiêu cơ bản của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng chính là ngăn ngừa, phòng chống cho được tệ nạn hư hỏng, suy thoái, tham nhũng, lợi ích nhóm.
Tổng Bí thư nhất trí với ý kiến đánh giá chung của các thành viên về tình hình phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến theo hướng tích cực, rõ nét, tăng cường tính răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn. Tổng Bí thư cũng ghi nhận sự phối hợp giữa các cơ quan ngày càng tốt hơn, nhuần nhuyễn hơn, giữa các khâu, các việc, từ phòng đến chống.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, càng làm càng có thêm kinh nghiệm, từ thực tiễn cần đúc rút kinh nghiệm để sắp tới làm tốt hơn cả phòng và chống. Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành một số chỉ thị về kê khai tài sản, về phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng được dư luận hoan nghênh. Nhưng chỉ thị vào cuộc sống đến đâu thì vẫn còn băn khoăn; việc kê khai tài sản vẫn còn hình thức. Cần phải nhìn thẳng vào sự thật, thấy hạn chế để khắc phục.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, năm tới, sau Đại hội XII của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng phải được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa, có bước tiến mạnh hơn nữa, hiệu quả rõ ràng hơn. Theo điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương, một trong những điều mà dân bức xúc hiện nay vẫn là tham nhũng.
“Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, phức tạp, đấu tranh trong mỗi con người, mỗi tổ chức. Khó là ở chỗ lợi ích nhóm, liên quan chằng chịt giữa kinh tế và chính trị, giữa doanh nhân với những người có chức, có quyền, ngoắt ngoéo với nhau. Không giải quyết được thì đó là một trong bốn nguy cơ, phải thấy hết trách nhiệm để quyết tâm cao hơn, sắp tới làm quyết liệt hơn, kiên trì, kiên quyết với phương pháp đúng, làm bài bản, có cơ chế, nguyên tắc, phối hợp với nhau để hạn chế tiêu cực”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ.
Theo Bảo Minh (SGGP)