Bế mạc Hội nghị Chính phủ trực tuyến với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo:
Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực
* Nâng cao nhận thức cho ngư dân về chủ quyền biển đảo
(BĐ) - Như tin đã đưa, sau hai ngày làm việc, sáng 29.12, Chính phủ đã bế mạc Hội nghị trực tuyến với các địa phương trong cả nước để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Bình Định, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Tùng và Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng chủ trì.
Phát biểu tại phiên bế mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, ngoài các báo cáo chính tại Hội nghị, đã có 20 ý kiến của các thành viên Chính phủ và 17 địa phương thảo luận xung quanh các nội dung của báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.
Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện Nghị quyết, kịp triển khai ngay ngày đầu tiên của năm 2016.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, năm 2015 cả nước đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để phát triển kinh tế - xã hội đạt mục tiêu đề ra. Dù vậy, chúng ta không được chủ quan, tự mãn với những thành quả đó. Năm 2016 diễn ra trong bối cảnh chúng ta phải hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, cạnh tranh thị trường ngày càng quyết liệt. Đây là xu thế của toàn thế giới mà chúng ta không thể đứng ngoài cuộc được.
“Tinh thần chung là Chính phủ, người đứng đầu các Bộ, cơ quan Trung ương, chính quyền các cấp, các địa phương nỗ lực tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực. Biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để hoàn thành các mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu cụ thể của năm 2016, tạo đà cho viêc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Cùng với 9 nhóm giải pháp đã được nêu trong dự thảo Nghị quyết Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, Thủ tướng chỉ đạo nhấn mạnh các nhóm giải pháp: 1- Kiểm soát tốt với lạm phát, bảo đảm và tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (đột phá trong hoàn thiện thể chế, đột phá trong xây dựng hạ tầng và đột phá về nguồn nhân lực gắn với ứng dụng khoa học và công nghệ); 2 - Hết sức quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, đảm bảo tiến bộ và công bằng trong xã hội, trong đó tập trung mạnh cho 2 chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; 3 - Tập trung chỉ đạo tốt hơn cho cải cách thủ tục hành chính, với mục tiêu phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp; 4 - Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động hội nhập để tranh thủ nguồn lực đẩy nhanh công nghiệp hóa - hiện đại hóa phát triển đất nước; 5. Bảo đảm quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia; 6 - Phát huy quyền làm chủ của người dân trên các lĩnh vực, tạo đồng thuận xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Quan tâm đến ý kiến của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu yêu cầu nâng cao việc giáo dục pháp luật cho ngư dân. Thủ tướng cho biết, nhiều nước trong cộng đồng ASEAN đã đẩy mạnh việc giáo dục pháp luật cho ngư dân, đặc biệt về vấn đề lãnh hải, ranh giới vùng biển giữa các nước. Từ đầu năm đến nay vẫn có tình trạng ngư dân của ta bị bắt khi xâm phạm vùng biển của nước bạn. Bộ Ngoại giao đã quan tâm bảo vệ công dân, nhưng cũng phải tuyên truyền cho ngư dân của ta đừng xâm phạm chủ quyền của các nước khác. Bộ NN&PTNT cùng phối hợp các tỉnh ven biển phải đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật cho ngư dân để vừa bảo vệ chủ quyền của ta, vừa không xâm phạm chủ quyền các nước bạn.
Đồng thời, cần nâng cao hiểu biết cho người dân và doanh nghiệp về việc gia nhập Cộng đồng chung ASEAN. Đây là cộng đồng kinh tế được đánh giá là sẽ đem về nhiều lợi ích cho Việt Nam. Dù vậy, thực tế thời gian qua, nhiều người lao động của chúng ta chưa đủ hiểu biết để có thể làm lao động quốc tế.
THU HIỀN