Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2015: Những kết quả bước đầu
Giai đoạn 2010 - 2015, việc triển khai thực hiện Ðề án “Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn (LÐNT) tỉnh Bình Ðịnh đến năm 2020” đã góp phần tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, từ những kết quả đạt được cũng cho thấy nhiều hạn chế cần được khắc phục trong những năm tiếp theo của Ðề án.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, từ năm 2010 - 2015, toàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo nghề cho 151.955 người, đạt 99,2% kế hoạch; tỉ lệ LĐNT làm đúng nghề được đào tạo ở giai đoạn này đạt 70%; tỉ lệ lao động sau đào tạo chuyển dịch từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp chiếm 20%.
Dạy nghề cho LĐNT góp phần tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Nhiều đổi mới tích cực
Hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT tỉnh ta giai đoạn 2010 - 2015 đã có nhiều đổi mới phù hợp hơn với tình hình thực tế và đạt được những hiệu quả tích cực.
Về mặt quản lý, việc phân cấp dạy nghề lao động cho cấp huyện vào năm 2014 thay vì đào tạo nghề theo năng lực sẵn có của cơ sở dạy nghề như giai đoạn 2010 - 2013 đã đem lại nhiều tín hiệu khả quan. Nhờ phân cấp, các địa phương chủ động trong kiểm tra, giám sát và xây dựng các lớp nghề phù hợp với nhu cầu người dân.
Sau 2 năm thực hiện phân cấp, huyện miền núi Vĩnh Thạnh rút ra nhiều kinh nghiệm phù hợp với thực tiễn địa phương mình. Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Thạnh cho biết: “Nhờ phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể trong việc tìm hiểu nguyện vọng học nghề của người dân, địa phương đã xây dựng được nhiều lớp nghề sát thực tế. Chẳng hạn, nhờ khảo sát, chúng tôi biết được thanh niên vùng cao rất muốn học và hiểu về điện để áp dụng vào thực tế, hạn chế cháy nổ do điện tại địa phương. Một lớp điện cho thanh niên các xã vùng cao Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim đã ra đời. Sau đào tạo, phần lớn thanh niên đều biết cách lắp điện cho người làng mình, giúp tiết kiệm kinh phí mướn người dưới vùng thấp lên để lắp điện như thời gian trước”.
Mặt khác, các cơ sở đào tạo nghề cũng đổi mới phương thức triển khai, chú trọng dạy nghề lưu động, dạy nghề gắn với doanh nghiệp, dạy nghề theo mô hình. Trong 2 năm 2014 và 2015, Trường Trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ Bình Định mạnh dạn triển khai mô hình đào tạo nghề đan lát thủ công gắn liền với doanh nghiệp. Nhận thấy nghề đan lát đang trên đà phát triển lại phù hợp với số đông LĐNT của địa phương, Trường đã thỏa thuận với các doanh nghiệp trong hỗ trợ vật tư, công nghệ, phương tiện vận chuyển và đảm bảo việc làm cho học viên. Kết quả, có tổng cộng 26 lớp nghề đã được mở cho 807 học viên ở TP Quy Nhơn, các huyện Tuy Phước, Vân Canh, Tây Sơn, thị xã An Nhơn... “Sau đào tạo, một số học viên vào làm việc cho các công ty với mức lương 3 triệu đồng/tháng; phần lớn thành lập nhóm tự quản, nhận gia công cho các công ty với thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng. Hiện có 12 nhóm tự quản như thế”, ông Huỳnh Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường cho biết.
Nhiều LĐNT sau học nghề đã thay đổi nhận thức, biết vay vốn, mở rộng sản xuất, thay đổi kinh tế gia đình. Ông Lê Văn Giác (52 tuổi, ở thôn Phú An, xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn) được học nghề phòng và trị bệnh cho trâu bò vào năm 2014. Sau học nghề, ông được Hội Nông dân hướng dẫn vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư nuôi bò. Nhờ những kiến thức đã được học, ông vượt qua được những lúng túng khi vật nuôi mắc bệnh, đồng thời mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới. Hiện nay, gia đình ông đã gầy được 8 con bò thịt và còn đủ khả năng hỗ trợ công tác thú y, kỹ thuật chăn nuôi cho những hộ khác tại địa phương.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dạy nghề cho LĐNT cũng bộc lộ một số hạn chế. Chất lượng đào tạo vẫn còn “chênh” so với yêu cầu thực tế. Các chủ doanh nghiệp hiện vẫn chưa đánh giá cao lực lượng lao động được đào tạo theo Đề án. Điều này xuất phát từ các nguyên nhân như giáo viên dạy nghề chưa có bề dày kinh nghiệm, yếu về năng lực thực hành; cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề của các đơn vị (nhất là các trung tâm dạy nghề trực thuộc các hội, đoàn thể) vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Công tác dự báo về nhu cầu học nghề của người dân chưa đạt hiệu quả. Nhiều địa phương chưa thực hiện được công tác dự báo vì vướng kinh phí. Riêng ở cấp tỉnh, từ năm 2010 đến 2015, chỉ thực hiện được 2 đợt khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề vào năm 2010 và 2014.
Giai đoạn 2016 - 2020, chỉ tiêu đào tạo nghề cho LĐNT tỉnh ta là 87.500 người; nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 là 56%. “Để hoàn thành nhiệm vụ này, các ngành, các cấp cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức học nghề cho người dân; nhân rộng các mô hình dạy nghề theo nhu cầu, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, dạy nghề theo mô hình. Trước mắt, trong năm 2016, tỉnh ta tiếp tục thực hiện phân cấp về địa phương, đảm bảo xây dựng kế hoạch dạy nghề sát với nhu cầu người dân và thực tế địa phương”, ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhấn mạnh.
NGUYỄN MUỘI