Tri kỷ chốn lao xao
Liệu có thể có một thứ tình cảm gọi tên bằng tri kỷ, ở chợ, giữa bà nội trợ và những hàng tôm hàng cá, gọi theo cách dân dã? Tôi cũng không chắc lắm, nhưng cứ thích gọi cái kiểu mình được những người bán hàng ở chợ đối đãi tử tế bằng hai từ nặng lòng đó. Nó cho tôi niềm vui chợ búa, niềm vui của bé mọn đàn bà, nhưng có lúc vực dậy được cả một trời chán ngắt mà bếp núc, xoong nồi, dầu mỡ đem đến.
Anh Năm bán thịt biết ý chiều khách thả ga, cân lần nào cũng dư dả. Tỉ như biết nhà tôi không ăn mỡ, nên lần nào chặt giò cũng chặt khúc nạc và khúc giò dẻo, chừa cái phần đầu gối lắm da nhiều mỡ bèo nhèo lại. Mua bao nhiêu bán bấy nhiêu, lỡ cắt nhiều thì hỏi lại ý khách, chẳng như chị bán thịt tôi đã nghỉ chơi từ mấy năm trước sau một thời gian ngắn làm bạn hàng, vì luôn cố tình cắt nhiều hơn yêu cầu.
Chị Sáu bán cá giã thì chẳng bao giờ phải trả treo. Bán một nói một, bán hai nói hai, không thách. Chỉ việc chọn cá, hỏi giá tiền, rồi chẳng chờ xem cân, đi mua rau chốc quay lại trả tiền. Tin tuyệt đối. Cũng như nhiều lần chị đã tin mình, nhiệt tình bán nợ mà chẳng thèm hỏi địa chỉ nhà.
Có bữa đi chợ về, tôi nhớ mãi không ra mình đã trả tiền mua thịt gà như thế nào, bèn hôm sau ra trả. Chị bán thịt gà bảo cũng không nhớ là nợ hay không nhưng nhất quyết không lấy tiền. Nằn nì mãi, cuối cùng chị lấy một nửa, tôi mới rũ được cái cảm giác áy náy.
Nên chuyện chợ búa với tôi đôi khi nhẹ tênh. Đi chợ rất nhanh bởi chẳng phải trả treo gì. Không phải vì giàu có, không thèm trả giá, mà là quá tin nhau.
Tin đến mức có khi không chủ ý nhưng vẫn đi chợ được với bát ngát đồ ăn. Thì mua nợ cá chị Sáu, mua nợ rau chị Chín, mua nợ thịt anh Năm, rồi mượn tiền anh Năm đi mua những hàng không phải bạn hàng!
Nên đã từng chứng kiến những trận cãi cọ nảy lửa giữa hai bà hàng cá với nhau vì giành chỗ ngồi, hay một chị hàng trái cây chửi sa sả khách vì mở hàng mà hỏi giá rồi không mua, thì vẫn tin rằng, cái sự lao xao kia chỉ là một chấm nhỏ giữa mênh mang tình người chốn chợ đông.
MINH KHƯƠNG