Chủ quyền đối với khu vực Bu Prăng: Vấn đề không cần tranh cãi
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdec Techo Hun Sen đã khánh thành hai cột mốc số 30 và 275, hoàn thành việc xác định, xây dựng tất cả các cột mốc đại có gắn quốc huy tại 10/10 cặp cửa khẩu quốc tế, cơ bản hình thành đường “xương sống” của hệ thống mốc giới trên toàn tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia.
Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định tính đúng đắn của công tác phân giới cắm mốc mà hai nước đã và đang triển khai, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước trong việc sớm hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam-Campuchia, góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Tuy nhiên, trước những phát biểu công khai của một số chính trị gia và quan chức Campuchia cho rằng theo Hiệp ước giữa Việt Nam và Campuchia (ký năm 2005) bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Campuchia ký năm 1985, “Việt Nam đã nhất trí đàm phán” với Campuchia để “phân chia khu vực biên giới” nằm giữa suối Đăk Dang và Đăk Huýt (thuộc xã Quảng Trực, huyện Đăk Rlấp, tỉnh Đắk Nông - sau đây xin gọi là khu vực Bu Prăng); cho rằng về mặt pháp lý, khu vực Bu Prăng này là “lãnh thổ Campuchia” theo Nghị định số 1602 năm 1914 của Toàn quyền Đông Dương (sau đây xin gọi là Nghị định 1914), ông Trịnh Đức Hải, tiến sỹ Công pháp quốc tế, chuyên gia về biên giới lãnh thổ đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) về vấn đề này, khẳng định các luận điểm nêu trên là không đúng cả về pháp lý, lịch sử và thực tế, chủ quyền của Việt Nam đối với khu vực Bu Prăng là vấn đề không phải tranh cãi.
* Trước hết, xin ông cho biết những luận điểm để khẳng định rằng đoạn biên giới liên quan đến khu vực Bu Prăng đã được hoạch định đầy đủ và rõ ràng trong các Hiệp ước về biên giới giữa Việt Nam và Campuchia?
Tiến sỹ Trịnh Đức Hải: Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia ký ngày 20.7.1983 (Hiệp ước 1983) ngay tại Điều 1 đã khẳng định nguyên tắc mang tính nền tảng cho việc hoạch định biên giới giữa hai nước, theo đó: “Trên đất liền, hai bên coi biên giới hiện tại giữa hai nước được thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương (SGI), thông dụng trước năm 1954 hoặc gần năm 1954 nhất (kèm theo 26 mảnh bản đồ đã được xác nhận), là đường biên giới quốc gia giữa hai nước.”
Dựa trên các nguyên tắc quy định tại Hiệp ước 1983, Việt Nam và Campuchia đã ký Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia ngày 27.12.1985, đính kèm 26 mảnh bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 và 40 mảnh bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000 [1] (hai loại bản đồ này có giá trị như nhau). Điều 1 của Hiệp ước 1985 đã hoạch định đầy đủ và rõ ràng đoạn biên giới liên quan đến khu vực Bu Prăng cả về lời văn và bản đồ đính kèm trên bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 (mảnh số 10, 192W-POSTE MAITRE) và bản đồ UTM (mảnh số 15, DAK DAM).
Bên cạnh yếu tố pháp lý nêu trên, xét về mặt lịch sử và quản lý thực tế thì từ xưa tới nay, khu vực Bu Prăng luôn thuộc chủ quyền của Việt Nam, được Việt Nam quản lý liên tục, hiệu quả. Trước thời kỳ Pháp thuộc, khu vực này đã có người dân tộc thiểu số sinh sống, đến nay vẫn còn lại mồ mả và các dấu tích của cư dân đã từng sinh sống. Dưới thời Pháp thuộc, khu vực này đã có những đồn điền của người Pháp và người Việt. Một báo cáo của Ủy ban hoạch định biên giới giữa Nam Kỳ và Campuchia năm 1913 cho thấy dân cư sinh sống ở đây chủ yếu là người Stiêng và người Việt.
Sau năm 1914, chính quyền thuộc địa Nam Kỳ đã lập ở khu vực này một số đồn binh để kiểm soát khu vực “ba biên giới.” Sau khi cả ba nước Đông Dương giành được độc lập (năm 1955) chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tổ chức lại về mặt hành chính vùng “ba biên giới” thành quận Bu Đốc và đặt quận lỵ tại Bu Prăng, thuộc huyện Tuy Đức, tỉnh Quảng Đức. Sau năm 1975, khu vực Bu Prăng thuộc huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Lăk (nay là Đắk Nông), Việt Nam. Đồn biên phòng cửa khẩu Bu Prăng được thành lập từ ngày 20/5/1975. Từ sau khi thống nhất đất nước (năm 1975) đến nay, Việt Nam tiếp tục quản lý hoàn toàn khu vực này.
* Có những ý kiến cho rằng, Việt Nam đã chấp nhận “tiếp tục đàm phán” về khu vực Bu Prăng. Điều này có phản ánh đúng nội dung các Hiệp ước về biên giới giữa Việt Nam và Campuchia?
Tiến sỹ Trịnh Đức Hải: Một số quan chức Campuchia cho rằng theo Hiệp ước 2005, Việt Nam đã chấp nhận tiếp tục đàm phán với Campuchia để phân chia khu vực biên giới nằm giữa suối Đăk Dang và Đăk Huýt. Chúng tôi cho rằng luận điểm này không chính xác.
Tuy các quan chức Campuchia không viện dẫn điều khoản cụ thể nào trong Hiệp ước 2005 làm căn cứ cho luận điểm nêu trên, chúng tôi cho rằng có thể các quan chức này dựa vào quy định có liên quan đến khu vực Bu Prăng tại khoản 2 Điều II Hiệp ước 2005, theo đó: “Đối với đoạn biên giới trong khu vực tiếp giáp giữa xã Quảng Trực, huyện Đăk Rlấp, tỉnh Đăk Lăk (nay là tỉnh Đắk Nông), Việt Nam và xã Đăk Đam, huyện O-reng, tỉnh Mondulkiri, Campuchia, hai Bên ký kết thống nhất tiếp tục trao đổi.”
Việc giải thích và áp dụng các điều ước quốc tế đã được pháp điển hóa trong Công ước Viên năm 1969 về Luật Điều ước quốc tế, theo đó việc giải thích một điều ước quốc tế cần phù hợp với mục đích, tinh thần cũng như lời văn của điều ước đó. Về mục đích : Hiệp ước 2005 nhằm “xác nhận những sửa đổi so với đường biên giới đã được hoạch định bởi Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia” ký giữa Việt Nam và Campuchia năm 1985. Những sửa đổi mà Hiệp ước 2005 xác nhận được quy định tại khoản 1 - Điều II, chỉ điều chỉnh 06 khu vực và một số đoạn biên giới sông suối phù hợp với thông lệ quốc tế, không bao gồm khu vực Bu Prăng. Ngoài ra, Lời nói đầu không có quy định về mục đích hoạch định lại hướng đi của đường biên giới đối với bất kỳ khu vực khác.
Về lời văn: căn cứ vào quy định cụ thể tại khoản 2 - Điều II liên quan đến Bu Prăng, hai bên thống nhất “tiếp tục trao đổi” (poursuivre leus discussions trong bản tiếng Pháp - là ngôn ngữ trung gian dùng làm cơ sở trong trường hợp có cách hiểu khác nhau giữa bản tiếng Việt và tiếng Khmer) chứ không phải là “tiếp tục đàm phán ” (négociation). Như vậy, nội dung về Bu Prăng tại khoản 2 - Điều II Hiệp ước 2005 cần được hiểu một cách đúng đắn là hai bên nhất trí tiếp tục trao đổi quan điểm về khu vực Bu Prăng, chứ không có nghĩa là hai bên nhất trí đàm phán để hoạch định lại đoạn biên giới ở khu vực này.
* Xin ông cho biết, việc viện dẫn Nghị định năm 1914 và cách giải thích Nghị định này của một số quan chức Campuchia có hợp lý hay không?
Tiến sỹ Trịnh Đức Hải: Trên cơ sở mục đích và lời văn của Hiệp ước 2005 như nêu trên, có thể khẳng định việc áp dụng một số yếu tố, trong đó có các yếu tố pháp lý mà chính quyền thực dân đã sử dụng để vạch đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia [2] , cũng phải được hiểu là chỉ áp dụng cho 06 khu vực mà Hiệp ước 2005 điều chỉnh, chứ không phải với khu vực Bu Prăng như cách hiểu của một số quan chức Campuchia.
Như vậy, việc viện dẫn các yếu tố pháp lý mà chính quyền thực dân đã sử dụng để vạch đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia nói chung và Nghị định 1914 nói riêng để “đàm phán” về Bu Prăng là không phù hợp với tinh thần và lời văn Hiệp ước 2005. Nhiều nhất thì Nghị định này cũng chỉ có thể được đưa ra xem xét trong quá trình “trao đổi quan điểm” về khu vực Bu Prăng mà thôi.
Ngoài ra, cũng cần nhấn mạnh rằng, “các yếu tố pháp lý mà chính quyền thực dân đã sử dụng để vạch đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia” không chỉ có Nghị định 1914, đồng thời cũng chỉ là một trong các yếu tố để xem xét, bên cạnh những yếu tố không kém phần quan trọng là “thực trạng quản lý và chiếm hữu của dân cư qua nhiều thế hệ” (mà trong trường hợp Bu Prăng, lịch sử đã cho thấy rõ ràng là từ xưa đến nay, cư dân Việt Nam đã sinh sống tại đây và các chính quyền Việt Nam đã liên tục thực thi chủ quyền và quản lý hoàn toàn khu vực này) và đặc trưng địa hình.
Qua một số phát biểu của các quan chức Campuchia, có thể thấy rõ luận điểm của họ là đoạn biên giới liên quan đến khu vực Bu Prăng đi theo suối Đăk Huýt, do lời văn của Nghị định này mô tả đường biên giới đi theo dòng Đăk Huýt và “đi đến nguồn của nó.”
Những ai đã đến Bu Prăng đều dễ dàng nhận thấy ở khu vực thượng lưu sông Đăk Huýt có nhiều nhánh suối nhỏ đổ vào. Điều đó có nghĩa là sông Đăk Huýt không chỉ có 1 nguồn mà có nhiều nguồn khác nhau. Một trong những nguồn đó là suối Đăk Dang, và đã được Pháp xác định là suối biên giới giữa Việt Nam và Campuchia liên quan đến khu vực Bu Prăng theo Nghị định 1914.
Điều này đã được thể hiện rõ ràng trên tất cả các tấm bản đồ do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản từ sau 1914 đến 1954. Xin nói thêm là bản thân Nghị định 1914 có nhắc đến một “sơ đồ kèm theo”, tuy nhiên, cho đến nay mặc dù cả Việt Nam và Campuchia đều đã bỏ nhiều công sức tìm kiếm tấm sơ đồ kèm theo này nhưng đều không tìm thấy.
Tuy nhiên, với việc thể hiện một cách nhất quán đường biên giới đi theo nhánh Đắk Dang trên tất cả các bản đồ chính thức của Sở Địa dư Đông Dương xuất bản từ sau năm 1914 đến 1954 đã chứng tỏ rằng không thể có bất kỳ sự giải thích khác hay có sự “nhầm lẫn kỹ thuật” nào khi Pháp vẽ đường biên giới liên quan đến khu vực Bu Prăng như cách hiểu của một số người Campuchia về Nghị định 1914.
Kết hợp cả lời văn của Nghị định 1914, địa hình tự nhiên của khu vực Bu Prăng và các bản đồ sau đó, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng ngay cả theo Nghị định 1914 thì đường biên giới liên quan đến khu vực này cũng luôn đi theo nhánh suối Đăk Dang.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ sau khi ký Hiệp ước bổ sung 2005 đến nay, hai bên Việt Nam và Campuchia đã nhiều lần trao đổi ý kiến về khu vực Bu Prăng theo quy định của Hiệp ước 2005. Phía Việt Nam đã đưa ra các chứng cứ và lập luận rõ ràng cả về pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền vững chắc và hoàn toàn của Việt Nam đối với khu vực Bu Prăng. Trong khi đó, phía Campuchia không đưa thêm được chứng cứ hay lập luận gì mới để bảo vệ cho quan điểm của mình, ngoại trừ việc viện dẫn một cách chung chung đến Nghị định 1914.
Cuối cùng, cũng xin nhắc lại rằng các chính quyền kế tiếp nhau của Campuchia từ sau năm 1953 đều đã công khai thừa nhận và tôn trọng đường biên giới liên quan đến khu vực Bu Prăng đi theo nhánh suối Đăk Dang như được thể hiện trên các bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản trong giai đoạn 1933-1953 (mảnh bản đồ 192W).
Chưa bao giờ các chính quyền ở Campuchia phản đối hay khiếu nại Pháp về việc vẽ đường biên giới khu vực Bu Prăng theo nhánh suối Đăk Dang trên tất cả các bản đồ do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản giai đoạn trước 1954. Ngược lại, Campuchia còn công khai yêu cầu các nước liên quan tôn trọng đường biên giới thể hiện trên các bản đồ Bonne do Pháp sản xuất. Chúng tôi xin điểm một vài ví dụ điển hình để minh chứng:
- Năm 1964, tức là 10 năm sau khi Campuchia giành độc lập, trong Công hàm gửi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phản đối việc Việt Nam Cộng hòa và Mỹ ném bom sang lãnh thổ Campuchia, chính phủ Campuchia khi đó đã đính kèm các mảnh bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương xuất bản, trong đó có mảnh 192W;
- Cũng trong năm 1964, Quốc vương Campuchia Norodom Sihanuc đã gửi Công hàm cho Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, khẳng định: “Về phần mình, Campuchia chỉ yêu cầu công nhận đường biên giới hiện tại trên đất liền của mình như được thể hiện trên các bản đồ thông dụng năm 1954…”
- Hiến pháp năm 1993 của Vương quốc Campuchia (được công bố sau khi đã ký kết Hiệp định Paris năm 1991 về vấn đề Campuchia) cũng khẳng định lại sự toàn vẹn lãnh thổ Campuchia như được thể hiện trên các bản đồ Bonne của Sở Địa dư Đông Dương xuất bản trong giai đoạn 1933-1953 và được quốc tế công nhận trong những năm 1963-1969;
Từ những phân tích nêu trên, có thể kết luận rằng khu vực Bu Prăng luôn thuộc chủ quyền của Việt Nam cả về mặt pháp lý, lịch sử và quản lý thực tế, được các chính phủ kế tiếp nhau của Campuchia qua các thời kỳ thừa nhận và tôn trọng. Đoạn biên giới liên quan đến khu vực này (tức đoạn biên giới tiếp giáp giữa xã Quảng Trực, huyện Đăk Rlấp, tỉnh Đăk Lăk (nay là tỉnh Đắk Nông), Việt Nam và xã Đăk Đam, huyện O-reng, tỉnh Mondulkiri, Campuchia) đã được hoạch định một cách rõ ràng như thể hiện trên mảnh bản đồ 192W trong 26 mảnh bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 đính kèm Hiệp ước 1983 và Hiệp ước 1985.
Việc một số quan chức Campuchia viện dẫn Hiệp ước 2005 để sử dụng Nghị định 1914 của Toàn quyền Đông Dương nhằm “đàm phán lại” việc hoạch định đoạn biên giới này là hoàn toàn không phù hợp với các Hiệp ước về biên giới giữa hai nước, và cũng không có lợi cho mối quan hệ hữu nghị lâu đời và láng giềng gần gũi giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.
[1] Việt Nam và Campuchia đã thỏa thuận chuyển vẽ đường biên giới trên bản đồ Bonne sang bản đồ UTM để thuận tiện cho việc phân giới cắm mốc.
[2] Theo quy định tại khoản 2 Điều I Hiệp ước 2005, để xác định hướng đi của đường biên giới tại 06 khu vực mà hai bên có quan điểm khác nhau trong quá trình đàm phán từ 1999-2000, hai bên nhất trí xem xét và áp dụng một số yếu tố, trong đó có “Các yếu tố pháp lý mà chính quyền thực dân đã sử dụng để vạch đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.”
Theo TTXVN/Vietnam+