Quyết liệt “hạ nhiệt” sốt xuất huyết
Từ đầu tháng 12 đến chiều 30.12, toàn huyện Hoài Nhơn có 43 ca sốt xuất huyết (SXH), giảm đến 71 ca so với tháng trước. Ðây là kết quả ấn tượng, bởi tình hình SXH trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, công tác đối phó gặp rất nhiều khó khăn.
Lũy kế từ đầu năm 2015 đến nay, huyện Hoài Nhơn có 239 ca SXH, 35 ổ dịch. Bệnh xuất hiện ở 16/17 xã, thị trấn (trừ xã Hoài Hải).
Bé Huỳnh Nguyễn Hoài Thu (9 tuổi, ở xã Tam Quan Bắc) điều trị sốt xuất huyết tại TTYT huyện Hoài Nhơn.
Giảm ấn tượng
Như nhiều địa phương khác, tình hình SXH ở huyện Hoài Nhơn trong những tháng đầu năm 2015 vẫn ổn định ở mức thấp. Từ ngày 1.1 đến ngày 31.8 chỉ có 18 ca, chưa có ổ dịch. Số ca bệnh bắt đầu xuất hiện nhiều từ tháng 9.2015 với 22 ca; sang tháng 10 đã tăng lên 47 ca (có 1 ca tử vong). Đến tháng 11 thì đạt đỉnh với 114 ca. Tình hình bắt đầu hạ nhiệt từ đầu tháng 12.2015. Mỗi tuần chỉ ghi nhận 7-8 ca bệnh mới; số ca nhập viện tại TTYT huyện Hoài Nhơn chỉ ở mức 1-2 ca/ngày.
TTYT huyện Hoài Nhơn là điểm nóng quá tải của ngành Y tế tỉnh, với công suất sử dụng giường bệnh đạt cao nhất (190%). Tình hình quá tải càng căng thẳng trong thời gian cao điểm của dịch SXH, dù đã có BVĐK khu vực Bồng Sơn “gánh” một phần bệnh nhân. Theo Phó Giám đốc TTYT huyện Hoài Nhơn Lưu Kim Hoàng, khoa Nội - Nhi - Lây thực kê 55 giường, nhưng lúc cao điểm đầu tháng 11 điều trị đến 130 bệnh nhân, trong đó có 42 ca SXH. Nhiều thời điểm, bệnh nhân phải nằm tràn ra cả hành lang.
Dù rất chật vật, nhưng khoa Nội - Nhi - Lây vẫn bố trí hẳn 3 phòng với 18 giường bệnh dành riêng cho bệnh nhân SXH để tiện theo dõi. Phó trưởng khoa Trần Văn Thu cho biết, 1/4 bác sĩ của khoa bố trí riêng cho khu điều trị SXH; 3/11 điều dưỡng cũng túc trực thường xuyên tại đây, người chuyên theo dõi huyết động, người lo xét nghiệm máu, người phụ trách tiêm - truyền.
Quyết liệt, đồng bộ
Theo Đội trưởng Đội Y tế dự phòng huyện Hoài Nhơn Nguyễn Tự Trọng, bên cạnh yếu tố khách quan từ điều kiện thời tiết, số ca SXH ở Hoài Nhơn giảm mạnh là kết quả của nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ.
Đầu tiên, phải kể đến sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Thường trực Huyện ủy và UBND huyện. Ngày 19.11, UBND huyện tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp khẩn cấp chống dịch SXH. Tiếp đó, chiều 30.11, Thường trực Huyện ủy tổ chức hội nghị bàn giải pháp ngăn chặn dịch SXH. Hoài Nhơn cũng là địa phương “mạnh tay” nhất trong việc bố trí kinh phí phòng chống dịch SXH trong năm nay.
Cụ thể, UBND huyện chi 189 triệu đồng tiền công phun hóa chất tại các ổ dịch, khu vực có nguy cơ cao, kinh phí tuyên truyền và một phần kinh phí phun hóa chất phạm vi toàn xã. TTYT huyện bố trí gần 100 triệu đồng chi tiền mua hóa chất và hỗ trợ xe phun ở một số xã, thị trấn. Trong khi ở nhiều địa phương khác vẫn “lơ là” với kinh phí chống dịch, thì UBND các xã, thị trấn ở Hoài Nhơn đã chi trên 100 triệu đồng để tổ chức tuyên truyền, hoạt động diệt bọ gậy tại địa phương.
Bên cạnh đó, hoạt động giám sát tại cộng đồng cũng được quan tâm đặc biệt. Phó Chủ tịch UBND huyện Trương Đề trực tiếp làm trưởng đoàn giám sát, đến từng địa bàn điều tra chỉ số bọ gậy, sau đó mới làm việc với từng ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã. “Phải có cơ sở thực tế, nắm chắc tình hình thì mới đưa ra yêu cầu cụ thể, “sát sườn” với tình hình của từng thôn, từng xã. Có vậy mới đảm bảo hiệu quả hoạt động phòng dịch được”, ông Đề chia sẻ.
Trong hoạt động tuyên truyền, Hoài Nhơn cũng có những cách làm rất triệt để. 31.000 tờ rơi được cấp phát, tập trung nhiều cho các trường học. Cán bộ y tế thông báo cho các trường THPT nhắc nhở học sinh ở khu vực có ổ dịch tham gia dọn vệ sinh nhà cửa. Băng tuyên truyền không chỉ phát cho đài truyền thanh xã, mà còn in sao và phát đến tận thôn xóm, tổ chức đi rao bằng xe máy.
Đáng chú ý, đến nay, Hoài Nhơn đã thành lập đội xung kích diệt bọ gậy tại 17/17 xã, thị trấn. Mỗi đội có gần 20 thành viên, là những người có sức khỏe, nhiệt tình, không nhất thiết phải “cơ cấu” theo tỉ lệ tham gia của các hội, đoàn thể tại địa phương. Đội Y tế dự phòng huyện cử cán bộ tập huấn cho các đội xung kích tại địa bàn dân cư. Đây chính là lực lượng chuyên nghiệp, khi cần có thể chia thành từng nhóm nhỏ, “đánh thẳng” vào từng ổ dịch, lật từng cái chum, úp từng lu nước.
“Cũng có ý kiến nói ra nói vào, sao lại làm thay việc của người dân. Nhưng chúng tôi cho rằng, trong lúc dịch đang bùng phát, ý thức của người dân lại không dễ đổi thay trong một sớm một chiều, thì hoạt động của đội quân tinh nhuệ này là rất cần thiết. Không chỉ dọn sạch vật dụng chứa nước có bọ gậy, họ còn nhận ra các mối nguy có thể chứa bọ gậy khi mưa xuống để loại trừ. Thậm chí, còn leo lên mái nhà, dọn sạch bạt nhựa đọng nước mưa - ổ bọ gậy mà ít ai để ý”, ông Trọng phân tích.
NGUYỄN VĂN TRANG