Vũ điệu trống tuồng của nghệ sĩ Triều Dâng
“Ðiệu nghệ và say mê” là câu cửa miệng của những người yêu nghệ thuật tuồng, đồng nghiệp mỗi khi nhắc đến nghệ sĩ Triều Dâng, một nhạc công có nhiều cống hiến của Nhà hát tuồng Ðào Tấn.
Được trời phú cho khả năng cảm thụ âm nhạc tốt và đôi tay linh hoạt, nghệ sĩ Triều Dâng dường như sinh ra là để biểu diễn trống - loại nhạc cụ quan trọng bậc nhất trong dàn nhạc dân tộc. Hơn 30 năm gắn bó với trống tuồng, Triều Dâng đã tạo được cho mình một phong cách biểu diễn nghệ thuật riêng. Mỗi khi thi triển đả cổ pháp (phép đánh trống), anh luôn vừa thả hồn mình nương theo tiết tấu, giai điệu vừa rất tỉnh táo để đảm nhiệm tốt vai trò của một phó sư: quán xuyến, dẫn dắt, truyền cảm hứng nghệ thuật cho toàn bộ dàn nhạc, diễn viên…
đẹp từ phong cách biểu diễn
Khi được thưởng thức các tiết mục độc tấu, hòa tấu âm nhạc dân tộc do nghệ sĩ Triều Dâng biểu diễn như: Trống trận Tây Sơn (độc tấu 12 trống), Vượt qua giông bão, Đất võ quê tôi, Trống hội xuân… thì nhiều khán giả am hiểu đã bày tỏ sự yêu thích, ngưỡng mộ tài hoa của anh. Tiếng trống vang lên cũng là lúc khán giả như bị cuốn hút đôi dùi trống bay lượn phóng khoáng, thanh thoát, nhịp nhàng, uyển chuyển của nghệ sĩ Triều Dâng. Những giai điệu, tiết tấu hòa quyện vào nhau liên mạch với cảm xúc và có lẽ ai cũng chất ngất trên những tầng cao âm nhạc.
“Triều Dâng là một nhạc công trống giỏi và rất đa năng. Không chỉ có chuyên môn tốt, phong cách biểu diễn đẹp mà còn rất đam mê tìm tòi và sáng tạo nghệ thuật. Bằng tài năng và tình yêu nghề tha thiết của mình, tôi mong rằng trong tương lai anh sẽ còn gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường nghệ thuật.”
NSƯT, Nhạc sĩ NGUYỄN GIA THIỆN - Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát tuồng Đào Tấn.
Bằng phẩm chất nghệ thuật thiên phú và tình yêu tha thiết đối với nhạc cụ trống truyền, nhạc công Triều Dâng đã gặt hái được nhiều thành quả ngọt ngào trên con đường nghệ thuật. Tại các kỳ liên hoan, hội diễn âm nhạc truyền thống dân tộc cấp khu vực và toàn quốc, nghệ sĩ Triều Dâng đã đạt được nhiều giải thưởng cao: HCV tiết mục “Đất võ quê tôi” và HCB tiết mục hòa tấu “Liên hoàn bài bản truyền thống trong sân khấu tuồng” tại Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam năm 2012; Giải A tiết mục “Vượt qua giông bão” trong Liên hoan âm nhạc khu vực Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam 2014 do Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Đồng thời, anh đã góp công sức lao động nghệ thuật cùng với cán bộ nghệ sĩ nói chung, dàn nhạc nói riêng để đem đến thành công cho nhiều vở diễn của Nhà hát tuồng Đào Tấn; trong đó có giải Dàn nhạc xuất sắc nhất Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995…
Trải qua quá trình dài tận tâm cống hiến cho tuồng, nghệ sĩ Triều Dâng đã vinh dự được đề cử xét phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2015.
“Bí quyết” thành công
Chia sẻ về những thành quả gặt hái được trên con đường nghệ thuật, nghệ sĩ Triều Dâng cho rằng đó là sự tổng hòa của nhiều yếu tố. Ngoài năng khiếu nghệ thuật, sự nỗ lực phấn đấu rèn luyện không ngừng của bản thân, còn là nhờ cơ duyên đến với nghề và sự dìu dắt giúp đỡ của các thầy, lớp nghệ sĩ đàn anh và đồng nghiệp. “Mặc dù không sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, nhưng tuổi thơ của tôi gắn liền với quê hương xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát - một trong những miền đất màu mỡ để nghệ thuật hát bội phát triển ngày xưa. Hơn thế, tôi lại được tiếp xúc rất sớm với trống và mõ từ nhỏ qua những lần theo chân người bà con là người đảm nhận việc nhạc lễ cho chùa”, nghệ sĩ Triều Dâng cho biết.
Tiếp tục theo đuổi tình yêu nghệ thuật, sau khi tốt nghiệp lớp trung cấp nhạc công tuồng (niên khóa 1979 - 1983) tại Trường Nghiệp vụ Văn hóa - Nghệ thuật Nghĩa Bình, Triều Dâng về đầu quân cho Nhà hát tuồng Đào Tấn cho đến nay. Được sống, sinh hoạt, làm việc trong một môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp, tiếp xúc học hỏi chuyên môn từ các nghệ sĩ bậc thầy và những nghệ sĩ đàn anh giỏi nghề, nghệ sĩ Triều Dâng đã có điều kiện tiến bước thành công trên con đường nghệ thuật.
“Ăn quả ngọt ngon nhớ người vun trồng”, nghĩ đến giai đoạn khó khăn khi mới về Nhà hát, nghệ sĩ Triều Dâng xúc động chia sẻ: “Hồi ấy, mọi thứ đối với tôi đều rất bỡ ngỡ, trong môi trường thực tế biểu diễn, những kiến thức mà tôi học được ở trường chỉ như muối bỏ bể. Vừa làm vừa học hỏi, mỗi khi gặp chỗ khó, tôi thường đến nhờ các thầy NSƯT Dương Long Căn, NS Trương Văn Trí tận tình chỉ bảo và các NSƯT Nguyễn Gia Thiện, NSƯT Văn Bá Hùng giúp đỡ nâng cao tay nghề. Có được thành quả như ngày hôm nay, tôi rất biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ của mọi người…”.
LÊ CÔNG PHƯỢNG