Không gục ngã
Tình cờ gặp, tình cờ biết, nhưng câu chuyện của bà Lê Thị Nhàn, 56 tuổi, ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, chủ cơ sở sản xuất Thanh Nhàn, khiến tôi rất khâm phục. Người phụ nữ ấy đã vượt qua bệnh tật, lập nghiệp với đôi bàn tay trắng và liên tục bị thử thách nhưng vẫn trụ vững với nghề làm nước mắm, bún khô, bánh tráng và tạo được thương hiệu của mình ở Tây Sơn. Ở bà luôn có niềm tự hào về gia đình và ý nghĩ làm gì để công nhân của mình có cuộc sống tốt hơn.
Bà Nhàn (bên trái) cùng công nhân chuẩn bị chiết mắm vào chai.
1.
Cuộc đời của bà Nhàn bị thử thách từ lúc còn trẻ. Đang học trung cấp y tế ở Đà Nẵng, bà mắc bệnh động kinh, phải nghỉ học để chữa trị. 1 năm chạy chữa, bệnh không bớt, bà đành bỏ học, ở nhà làm nước mắm bán. Rồi bà lấy chồng là ông Nguyễn Tự Nhiên (hiện đang là bác sĩ khoa Ngoại, BVĐK khu vực Phú Phong), vốn người bạn học cùng cấp III, sau 7 năm yêu nhau. Bà Nhàn kể về chồng với niềm tự hào: “Ngày ấy, anh Nhiên đang là sinh viên Trường ĐH Y Dược Huế. Anh rất lo lắng cho bệnh tình của tôi và cố gắng tìm kiếm thuốc để giúp tôi điều trị bệnh. Nhờ tình yêu của anh, tôi như được tiếp thêm nghị lực vượt qua bệnh tật và cả những biến cố sau này”. Ngày chồng tốt nghiệp và được nhận về làm việc ở Tây Sơn, bà Nhàn cũng theo chồng, từ quê ở thị trấn Đập Đá, thị xã An Nhơn, lên thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, lập nghiệp.
2.
Ở Tây Sơn, bà Nhàn giữ nghề làm mắm rồi đem bán ở chợ, sau đó vay mượn thêm mở cơ sở sản xuất nước mắm, với hơn 10 công nhân, lấy thương hiệu là Bảy Nhàn. Bà cũng tích góp được ít nhiều cùng chồng lo cho 3 con ăn học.
Cơ sở đang làm ăn thuận lợi, gia đình bà Nhàn quyết mở rộng quy mô, xây bể chượp, mua trang thiết bị đầu tư làm mắm, thì các loại mắm như Chinsu, Nam Ngư ra đời khiến thị phần của nước mắm Bảy Nhàn bị thu hẹp, cơ sở gần phá sản. Bà Nhàn kể: “Hàng tiêu thụ được ít, nếu cố sản xuất thì tồn kho, vốn cạn, mà giảm năng suất thì công nhân thất nghiệp. Tôi bèn nghĩ phải tìm cách nào để công nhân có việc làm, ổn định nguồn thu nhập, bởi họ đều là trụ cột gia đình”. Vậy là, bà quyết định đi học nghề làm bún khô, bánh tráng ở làng nghề An Thái, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn. Học nghề rồi, bà đi mua máy móc và về hướng dẫn lại công nhân làm nghề. Bước đầu, bà Nhàn trang bị 1 máy làm bún, 1 máy làm bánh tráng, dần dần đầu tư 7 máy. Rồi bà nuôi vài trăm con heo để tận dụng các nguyên liệu dư thừa của nghề bún, bánh tráng.
Bà Nhàn canh lò sấy bún khô vào buổi tối.
3.
Thời điểm trước năm 2009, cơ sở sản xuất nước mắm, bún khô, bánh tráng và công việc chăn nuôi mang lại cho bà Nhàn lợi nhuận khoảng 1 tỉ đồng/năm. Vợ chồng, con cái cố gắng duy trì sản xuất để kịp lấy lại vốn đầu tư. Nhưng bà bảo, “người tính không bằng trời tính” khi cơn bão số 9 và số 11 vào năm 2009 liên tiếp “dọn” sạch cơ sở của bà. Mất trắng khối tài sản lớn bao nhiêu năm vất vả gom góp dựng nên, bà Nhàn dường như suy sụp hẳn. Chồng bà cố gắng động viên vợ và bản thân bà cũng tự nhủ: “Thôi thì còn được vài trăm con heo để gầy dựng lại sự nghiệp”. Từ đó, bà chăm chút cho đàn heo chờ ngày xuất chuồng để có tiền mua lại máy móc, sản xuất nước mắm.
Nhưng dịch bệnh heo tai xanh đến nhanh bất ngờ. Sáng ra, vài chục con heo lăn quay chết, vài ngày sau thì dịch lây cả trăm con, buộc phải thiêu hủy cả đàn.
4.
Lần nữa, năm 2010, bà Nhàn lại lập nghiệp từ đôi bàn tay trắng. Mấy chục công nhân, vốn là những người từng đi chăn bò, làm ruộng thuê, giờ không thể quay lại nghề cũ. Họ ngỏ ý đồng lòng không nhận lương vài tháng để cùng bà gầy dựng lại sự nghiệp. Lúc ấy, cơ sở Thanh Nhàn được dời về CCN Phú An, Tây Sơn.
Bà Nhàn quyết định vay vốn ngân hàng để xây dựng lại cơ sở, mua máy làm bún khô, bánh tráng và lò sấy. Rồi cả ngày lẫn đêm, bà cùng công nhân làm mắm, xay gạo, tráng bánh, cán bún rồi canh lò sấy. Bà kể, chồng bà và con trai lớn là kỹ sư, lập nghiệp gần nhà, đảm đương công việc sửa chữa, bảo trì các loại máy chuyên dụng ở cơ sở để sản phẩm đạt chất lượng đảm bảo. Con gái thứ hai tốt nghiệp ĐH kinh tế cũng về cùng mẹ phụ trách khâu thị trường. Còn con út đang học ĐH nhưng hễ về quê là lao vào làm mọi việc giúp gia đình.
Hiện nay, cơ sở Thanh Nhàn có hơn 30 công nhân, mỗi ngày sản xuất 1.000 - 1.200 lít nước mắm; 1.000 - 1.500 kg bún khô. Nói về chủ cơ sở của mình, chị Nguyễn Thị Hoa, 45 tuổi, công nhân, kể: “Bà Nhàn vất vả nhưng lúc nào cũng nghĩ cho công nhân, chăm lo, chỉ bảo nghề nghiệp, không thiếu khâu nào. Có nhiều chị em làm việc vài năm, có kinh nghiệm, lấy chồng về quê chồng lập nghiệp cũng bằng nghề tráng bánh, làm bún như ở cơ sở này”.
HẢI YẾN