Làng nghề truyền thống ở Phú Thọ vào mùa Tết
Ông Nguyễn Văn Chánh, trưởng thôn Phú Thọ (xã Tây Phú, huyện Tây Sơn), cho biết: thôn có trên 800 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu, trong đó, có gần 100 hộ làm nghề nấu rượu và tráng bánh tráng. Có thể nói, cùng với làm nông thì hai nghề này là nghề truyền thống lâu đời mang lại nguồn thu nhập chủ yếu cho người dân trong thôn.
Đa số các hộ tráng bánh tráng và nấu rượu ở Phú Thọ đều thoát nghèo, có cuộc sống từ trung bình trở lên.
- Trong ảnh: Chị Điều đang tráng bánh tại nhà.
Ở Phú Thọ, nghề nấu rượu đã có cách đây hàng trăm năm. Rượu ở đây cũng vang danh không kém rượu Bàu Đá. Theo chân ông Chánh, tôi tìm đến nhà bà Đặng Sĩ Quế, 62 tuổi, ở xóm 5, người đã trên 40 năm gắn bó với nghề nấu rượu. Chỉ tay vào những vò, thùng ủ rượu trong gian bếp, bà Quế cho biết: “Theo lời các bậc trưởng lão trong thôn thì nhờ có mạch nước ngầm được tạo hóa ưu đãi nên chất lượng rượu Phú Thọ rất cao. Lúc trước tôi chuyên nấu rượu gạo, cách đây khoảng 6 năm thì chuyển hẳn sang nấu rượu đậu xanh và rượu nếp. Chắc chỉ có ở Tây Sơn mới có rượu đậu xanh thôi. Rượu này có mùi đặc trưng nên nhiều người rất thích đến mua về dùng hoặc làm quà biếu”.
Hiện nay mỗi ngày bà Quế nấu khoảng 15 lít rượu đậu xanh và rượu nếp. Những tháng trước và sau Tết, rượu nấu đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đó. Bà Quế cho hay, sắp tới cơ sở của bà sẽ tăng công suất bởi lượng rượu khách đặt cho dịp Tết hiện tại đã lên đến vài trăm lít.
Tương tự, nghề truyền thống làm bánh tráng ở đây cũng đang được đầu tư, cải tiến để nâng cao chất lượng và sản lượng. Chị Mạc Thị Điều, 40 tuổi, nhà ở xóm 2, kể: “Trước đây, tất cả các giai đoạn tráng bánh đều làm thủ công, nay thì hầu như các hộ làm bánh tráng đều đầu tư trang bị máy xay bột, nên việc tráng bánh được thực hiện nhanh hơn, ít hao hụt, có hộ còn xây dựng lò sấy để chủ động sản xuất khi thời tiết xấu”.
Về Phú Thọ những ngày này, chúng tôi mới cảm nhận được không khí lao động rất nhộn nhịp, khẩn trương của người dân. Tuy công việc khá vất vả, nhưng trên khuôn mặt của họ vẫn rạng ngời niềm vui vì sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ nhanh đến đó.
Bà Quế chuẩn bị nấu rượu.
Ông Nguyễn Văn Tuất, 58 tuổi, chủ một lò tráng bánh ở xóm 2 cho biết, hiện nay, các loại bánh tráng được người dân địa phương cải tiến theo thị hiếu của người tiêu dùng, như: bánh có nhiều kích cỡ, nhiều loại mỏng - dày khác nhau, bánh gạo hoặc pha bột gạo - bột mì với các tỉ lệ khác nhau, bánh nhiều mè - ít mè… Nhờ vậy, sản phẩm của làng nghề ngày càng được khách hàng nhiều nơi biết đến. Trung bình mỗi ngày người dân địa phương sản xuất hơn 20.000 cái bánh tráng.
“Vui nhất là năm nay sức tiêu thụ bánh tăng hơn mọi năm. Các năm trước, dịp này bình thường mỗi ngày nhà tôi tráng khoảng 10kg gạo, nhưng năm nay tăng hơn gấp đôi vẫn không đủ hàng giao cho khách. Hiện nay, mỗi ngày tôi xuất lò khoảng 500 - 700 bánh”, ông Tuất cho biết.
Tuy không sản xuất quy mô lớn, nhưng công việc nấu rượu hàng ngày vẫn mang lại thu nhập ổn định cho người dân Phú Thọ, nhất là những hộ kết hợp nấu rượu và nuôi heo. Chị Lê Thị Tuyết, xóm 2, cho biết gia đình chị làm nghề nấu rượu hơn 20 năm nay, mỗi ngày cho ra thành phẩm khoảng 10 lít rượu. Mỗi dịp Tết, chị nấu bán khoảng 100 lít, chủ yếu là rượu đậu xanh, bán cho người mua về làm quà Tết. Ngoài ra, chị Tuyết còn có một khoản thu nhập đáng kể khác từ gần 80 con heo lứa và heo nái, nhờ tận dụng nguồn hèm rượu làm thức ăn cho heo.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Phú, đánh giá: “Thôn Phú Thọ có hơn 90% người dân làm nông nghiệp nhưng nhờ nghề làm bánh tráng và nấu rượu mà người dân trong thôn có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, đặc biệt là đa số các hộ làm hai nghề này đều thoát nghèo, có cuộc sống từ trung bình trở lên”.
NGUYỄN HỒNG PHÚC