Bà ngoại “người dưng”
Bà tên Hành, là bà ngoại của “người dưng” nhưng tôi may mắn có được trong đời. Bà ở TP Đà Nẵng, nơi cách đây mấy năm tôi sống ở đó để theo học cao đẳng.
Tôi nhớ, ngày đầu tiên mẹ dẫn tôi ra Đà Nẵng, trong tay là tờ giấy báo nhập học và trăm nỗi vui mừng, lo toan, háo hức lẫn lộn. Đơn độc ở thành phố xa lạ, tiền nhà trọ thì quá cao, lúc ấy là 250 ngàn đồng/tháng, nên mẹ và tôi đã tính lên xe quay về.
Trong giây phút đường cùng đó, bà ngoại Hành của tôi xuất hiện, như một vị cứu tinh. Khi biết nhà tôi nghèo, anh em đông, bố mất từ lâu, mẹ bươn chải chạy gạo từng ngày, không có chỗ trú ngụ, không có người thân quen nơi đất khách quê người, bà thương và cho tôi ở trọ... Tôi xin được gửi cho bà chút tiền nhà, tiền ăn, tiền điện nước sinh hoạt hàng tháng, nhưng bà kiên quyết chối: “Con ở với bà là bà vui rồi. Tiền nong thì con cái bà cho bà đủ ăn, không thiếu đâu. Bà biết nhà con thiếu, con nghèo, con ráng học, làm người tốt là bà mừng rồi...”. Rồi có những đêm ngủ với bà, nghe bà tâm sự, tôi mới hiểu tuổi thơ bà khổ cực lắm. Bà đã từng đi nhổ từng cọng rau má, cắt từng bó rau bồ ngót, mót từng gié lúa ngoài đồng để kiếm sống qua ngày, nên giờ bà thương tôi cũng nghèo khổ gốc gác quê mùa như bà... Và suốt 3 năm liền sống cùng nhà, bà ngoại đã chở che, cho tôi niềm vui sống để tôi yên tâm học tập.
Có lần đi học ở trường về gặp mưa mới chỉ hơi ươn ướt thôi, ngoại đã lo lắng: “Thay đồ đi kẻo ướt, lạnh, đau đó con”. Những lần tôi đau, bà lo lắng, chăm sóc cho tôi từng viên thuốc, từng miếng cơm, chén cháo để tôi khỏi bỏ học. Và cứ mỗi lần như thế, tôi dại khờ cứ nghĩ, biết chừng nào bà ốm để mình lại lo cho bà.
Rồi bà ngoại mua cho tôi chiếc xe đạp mới để đi học, vì bà biết rằng như thế sẽ giúp tôi đỡ vất vả hơn với quãng đường 18km đi về mỗi ngày. Còn chiếc xe đạp cũ kỹ của tôi, bà nói để bà đi chợ, họp hành, sinh hoạt hội người cao tuổi, hay loanh quanh thăm người thân. Bà còn dẫn tôi tới nhà thờ tổ tiên của dòng tộc bà, tới nhà ông Hai (anh trai của bà), nhà cháu bà, và nhiều nhà người thân nữa, như bà xem tôi chẳng khác nào con cháu trong nhà.
Ba năm học cũng trôi qua. Tôi ra trường, xa bà ngoại, về quê. Vào cái ngày ấy, ngày 10 tháng Giêng âm lịch năm 2012, tôi đã khóc, cùng những giọt nước mắt trên mắt bà...
Đã hơn 1 năm trôi qua, tôi cũng không cộng được là bao lần tôi và bà đã chia sớt nỗi nhớ, niềm vui, sự quấn quít yêu thương cho nhau qua chiếc điện thoại. Tôi vừa trực tiếp ra mời ngoại vào dự trong ngày vui lấy chồng. Ở cái tuổi xế chiều, không vào được, ngoại gởi cho tôi món quà cưới. Ngoại ơi, món quà lớn nhất mà ngoại cho con là tình yêu thương, con luôn giữ mãi.
Và giờ con đã có một chỗ làm ổn định, một gia đình nhỏ hạnh phúc. Con ghi ơn ngoại, luôn tự hào vì đã gặp được một “bà tiên” là ngoại. Rồi mai đây, con sẽ kể lại cho các con của con: Mẹ đã có một bà ngoại “người dưng” trong đời.
LÊ KIỂU