Giải quyết tình trạng sinh con thứ 3:
Cần có giải pháp đồng bộ
Từ đầu năm 2013 đến nay, trong khi số trẻ sinh ra đã giảm đáng kể thì Bình Ðịnh vẫn “nóng” tình trạng sinh con thứ 3 trở lên. Nhiều địa phương giảm tỉ lệ sinh con thứ 3, nhưng mức giảm chậm so với tỉ suất sinh.
Nơi tăng đã lo, nơi giảm càng lo hơn
Vĩnh Thạnh chưa phải là địa phương quá nóng với trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên, nhưng từ năm 2011 đến nay, tỉ lệ này có xu hướng tăng nhanh. Năm 2011, tỉ lệ sinh con thứ 3 là 7,2% (36 ca/499 ca sinh), năm 2012 đã “nhích” lên 10,6% (55 ca/517 ca sinh) và đến 5 tháng đầu năm 2013, tỉ lệ này đã vọt lên 16,1% (19 ca/118 ca sinh). “Nóng” nhất là các địa bàn đông dân như thị trấn Vĩnh Thạnh và các xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Sơn, Vĩnh Quang.
Tình trạng sinh con thứ 3 ở các xã miền núi không “nhức nhối” bằng các xã đồng bằng.
- Trong ảnh: Phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con tại Trung tâm Y tế huyện An Lão.
Ở huyện An Lão, năm 2011, tỉ lệ sinh con thứ 3 là 10,5%. Sau nhiều nỗ lực, sang năm 2012 tỉ lệ này có giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao (9,7%). Tuy nhiên, trong các tháng đầu năm nay, tỉ lệ sinh con thứ 3 đã tăng trở lại 10,6%.
Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, ngay trong quý I năm 2013, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên của toàn tỉnh đã là 17,1%, vượt xa so với cùng kỳ năm trước (14,6%). Nếu làm phép so sánh với năm 2012 thì nhiều địa phương có mức tăng cao, chênh lệch nhiều, như: Tây Sơn tăng 10,2%; Vân Canh tăng 6,1%; Tuy Phước tăng 5,9%...
Đã đành các địa phương tăng sinh con thứ 3 trở lên lo tìm cách kéo giảm, nhưng các huyện, thị xã giảm tỉ lệ này cũng chẳng yên. 6 tháng đầu năm nay, thị xã An Nhơn có 586 trẻ được sinh ra, giảm 172 trẻ so với cùng kỳ năm trước (29,4%). Về con thứ 3, thị xã có 85 trẻ, chiếm 14,5%, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Chánh, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ thị xã An Nhơn, lại lo lắng: “Tính trên con số tuyệt đối thì đúng là con thứ 3 của An Nhơn đã giảm. Nhưng thực chất, số trẻ sinh ra giảm, nhưng số trẻ sinh ra là con thứ 3 không giảm nhiều. Nếu tương ứng với mức giảm tỉ suất sinh thì con thứ 3 của An Nhơn đến giờ chỉ còn là 78 trẻ”.
Chưa giải quyết từ gốc
Đến thời điểm này, hệ thống cán bộ chuyên trách làm công tác DS-KHHGĐ ở xã vẫn chưa ổn định. Lãnh đạo một Trung tâm DS-KHHGĐ huyện cho biết: “Nhiều cán bộ chuyên trách cũ được tuyển vào biên chế của trạm y tế mất chức năng tham mưu trực tiếp nên dù có kinh nghiệm, cũng trở nên thụ động với công việc. Còn những người mới được tuyển vào thì trẻ, thiếu kinh nghiệm, trong khi một số trạm vẫn chưa tìm được người”.
Có một thực tế là tình trạng sinh con thứ 3 ở các xã miền núi không “nhức nhối” bằng các xã đồng bằng. Ở An Lão, hơn 3 năm qua, xã An Nghĩa không có người sinh con thứ 3. Bà Từ Thị Hà, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện An Lão, phân tích: “Bà con dân tộc thiểu số chỉ muốn có con trai để làm nương phát rẫy, chứ không nặng nề chuyện nối dõi tông đường, vì thế công tác vận động cũng “nhẹ” hơn. Ở các xã đồng bằng, đời sống kinh tế thoải mái hơn, người dân cũng ít băn khoăn về chi phí nuôi con, nên dễ đẩy đến tình trạng sinh nhiều con”.
Công tác tuyên truyền, vận động giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 vẫn còn nhiều thách thức. Tâm lý phải có con trai vẫn còn phổ biến. Kẻ muốn “đủ nếp đủ tẻ”, người có cả con trai con gái rồi lại muốn sinh thêm cho… chắc ăn. “Hình thức kỷ luật, xử phạt đối với cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 còn chưa nghiêm, nên tỉ lệ sinh con thứ 3 trong nhóm đối tượng này lại có chiều hướng gia tăng. Các buổi tuyên truyền về KHHGĐ ở các thôn, làng, số cán bộ cơ sở tham dự cũng không nhiều”, bà Lý Thị Ngọc Lan, Đội trưởng Đội chăm sóc bà mẹ trẻ em - KHHGĐ, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh, cho biết.
Ông Nguyễn Văn Chánh chia sẻ ý kiến trên bằng thực tế diễn ra ngay tại địa phương mình. Tại thị xã An Nhơn, tổng hợp số trẻ sinh con thứ 3 rơi vào diện gia đình có kinh tế khá giả, trong đó có cán bộ, đảng viên. “Trên thực tế, tỉ lệ cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách DS-KHHGĐ không nhiều, nhưng ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân. Việc tuyên truyền, vận động nhóm đối tượng này rất khó”, ông Chánh trăn trở.
Các địa phương và ngành chuyên môn đã đề ra nhiều biện pháp, kế hoạch để giảm tỉ lệ sinh và con thứ 3 trở lên; trong đó, tập trung chủ yếu vào công tác tuyên truyền và cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản để mọi đối tượng người dân được tiếp cận. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng đặt vấn đề các giải pháp tác động để làm thay đổi hành vi về thực hiện chính sách DS-KHHGĐ hiện đã không còn phù hợp. Ông Nguyễn Văn Chánh nhấn mạnh: “Chúng ta cần thay đổi cách tuyên truyền đối với nhóm đối tượng kinh tế khá giả có ý định sinh con thứ 3. Đồng thời tăng cường việc quản lý hành chính đối với các trường hợp cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 trở lên, giúp người dân thông suốt về tư tưởng, giải tỏa về tâm lý, thực hiện sinh 2 con để nuôi dạy cho tốt. Để làm được điều này, địa phương cần có sự chỉ đạo và huy động các nguồn lực tổ chức thực hiện”.
NGỌC TRÂM