Ngành công nghiệp chế biến:
Nỗ lực tìm hướng phát triển
Những năm gần đây, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tận dụng các thế mạnh của ngành công nghiệp chế biến (CNCB) để thúc đẩy nền công nghiệp tỉnh nhà phát triển. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu, vốn, lao động, cộng thêm áp lực cạnh tranh từ thị trường, nên các ngành CNCB của tỉnh muốn phát triển ổn định, bền vững có vẻ vẫn còn là… bài toán khó!
Thời gian qua, ngành chế biến thủy sản xuất khẩu ở tỉnh ta đã gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu cũng như thị trường xuất khẩu.
- Trong ảnh: Chế biến cá xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định.
“Đầu tàu”chưa mạnh
Tận dụng các lợi thế về nguồn nguyên liệu, lao động, những năm qua, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đã đầu tư mạnh vào ngành CNCB. Nhờ đó, ngành CNCB ngày càng chiếm tỉ trọng cao và trở thành “đầu tàu” của ngành công nghiệp tỉnh nhà, hiện chiếm trên 90% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2005.
Mặc dù có sự phát triển như vậy nhưng ngành CNCB ở tỉnh ta lại đang được xem là đông nhưng không mạnh. Nguyên nhân, do các ngành này chỉ mới dựa vào những lợi thế sẵn có để phát triển về bề rộng, chưa tập trung nhiều vào chiều sâu. Qua thực tế ngành chế biến hạt điều của tỉnh cho thấy, việc phát triển “quá nóng” các doanh nghiệp (DN) chế biến, trong khi các địa phương chưa chủ động quy hoạch diện tích điều, nông dân chưa chú trọng cải tạo vườn điều, phát triển giống mới, năng suất cao… là nguyên nhân cơ bản làm mất cân đối giữa cung - cầu nguồn nguyên liệu. Hiện nay, diện tích trồng điều trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 15.000 ha, giảm trên 1.000 ha so với năm 2010; trong đó, diện tích điều đang thu hoạch là 14.000 ha, giảm gần 1.000 ha. Ngoài diện tích giảm, năng suất điều trên địa bàn tỉnh cũng chỉ đạt bình quân trên 4 tạ/ha, thấp hơn rất nhiều so với năng suất bình quân cả nước (gần 9 tạ/ha), nên nguồn nguyên liệu chỉ mới đáp ứng chừng 30% công suất của các nhà máy chế biến hạt điều trong tỉnh.
Ngoài khó khăn về nguyên liệu, hiện nay, hầu hết các DN hoạt động trong lĩnh vực CNCB ở tỉnh ta có quy mô nhỏ; hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ chưa được tiên tiến. Phần lớn lao động trong ngành CNCB đều chưa qua đào tạo, lực lượng lao động kỹ thuật cao, nhân lực quản lý DN còn yếu, chưa đồng bộ, nên sản phẩm làm ra hao hụt rất lớn, giá thành cao, khó nâng cao chất lượng, giảm giá thành để tăng khả năng cạnh tranh.
Ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: “Do năng lực hạn chế nên phần lớn sản phẩm của các ngành CNCB ở tỉnh ta còn ở dạng chế biến thô, giá trị gia tăng còn thấp và sức cạnh tranh còn yếu ở cả thị trường trong cũng như ngoài nước. Một số mặt hàng xuất khẩu vẫn còn mang thương hiệu của các nhà phân phối nước ngoài nên bản thân các DN trong tỉnh chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho mình. Điều này đã dẫn đến hệ quả là DN trong tỉnh phải phụ thuộc vào các DN nước ngoài, không chủ động được hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, nên chưa có sự phát triển bền vững”.
Hiện nay, ngành CNCB đã được xác định là có lợi thế cạnh tranh hàng đầu trong các ngành công nghiệp của tỉnh. Do đó, mục tiêu mà tỉnh đặt ra trong giai đoạn 2012-2015 là: Tiếp tục lấy CNCB làm khâu đột phá, trong đó ưu tiên phát triển các ngành CNCB có lợi thế so sánh, có tính cạnh tranh cao.
Kế hoạch phát triển cụ thể cho từng ngành được Sở Công Thương tỉnh đề ra là: Với ngành chế biến gỗ, phấn đấu đến năm 2015 đưa tổng công suất thiết kế các nhà máy lên 300 ngàn m3/năm, trong đó sản phẩm gỗ nội thất chiếm từ 40% trở lên. Đối với ngành chế biến đá, phát triển công suất khai thác đến năm 2015 đạt 20.000 m3/năm, đến năm 2020 đạt 25.000 m3/năm và nâng công suất chế biến đá ốp lát lên 380- 450 ngàn m2/năm. Đối với ngành chế biến thủy sản, giai đoạn 2011-2020 sẽ đầu tư xây dựng mới một số nhà máy chế biến thủy sản ở huyện Phù Cát và Hoài Nhơn, với tổng công suất 5.000-6.000 tấn/năm và 1 nhà máy ở Quy Nhơn với công suất khoảng 4.000 tấn/năm…
Theo các chuyên gia kinh tế, để thực hiện được mục tiêu này, thời gian đến, các ngành hữu quan cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu, cụm công nghiệp để kêu gọi nhà đầu tư, DN vào đầu tư phát triển CNCB. Đồng thời, tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại; xây dựng và phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, chất lượng cao; thực hiện tốt mối liên kết giữa sản xuất nguyên liệu với CNCB và thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng giảm dần các sản phẩm sơ chế; tích cực nhập khẩu, đầu tư các công nghệ chế biến sâu để chế biến ra những sản phẩm tiêu dùng cuối cùng, nhằm tăng giá trị của hàng hóa tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Kim Phương cho biết: Thời gian đến, ngành Công Thương tỉnh sẽ phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương cùng các DN tập trung giải quyết những tồn tại, hạn chế về cơ sở hạ tầng, nguyên - vật liệu, công nghệ, lao động… Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ hỗ trợ các DN xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân DN nếu không liên tục nghiên cứu để phát triển sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng thì lập tức sẽ bị mất thị phần.
Ông Phạm Xuân Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Đá Bình Định, cho biết: Để phát triển ổn định, hiện nay các DN chế biến đá ốp lát đang thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất sản phẩm sang nhóm sản phẩm có thị trường và tiêu thụ dễ dàng hơn, như đá trang trí, đá mỹ nghệ, tượng hình nghệ thuật, đá lát sân vườn, đôn, bàn ghế ngoài trời... Bên cạnh đó, các DN chế biến đá cũng đang tích cực tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt là thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản.
Giải pháp đưa ra là như vậy, song để có thể phát triển hiệu quả các ngành CNCB theo yêu cầu là một việc làm không đơn giản, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương và các DN trên địa bàn tỉnh cần nỗ lực rất nhiều.
NGỌC THÁI