Quy Nhơn vẫn chật vật với sốt xuất huyết
Tính đến hết ngày 31.12.2015, toàn tỉnh có 2.726 ca sốt xuất huyết (SXH), TP Quy Nhơn “đóng góp” đến 30,4% với 828 ca (1 ca tử vong). Công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố vẫn bộc lộ những khó khăn, hạn chế; nhiệm vụ “dập dịch” trong thời gian tới còn nhiều thách thức.
Đó là những thông tin chính được đưa ra tại buổi làm việc vào chiều qua (4.1) của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Thanh Thắng với UBND TP Quy Nhơn về công tác phòng, chống dịch SXH.
Khó đủ đường
Ca bệnh SXH ở TP Quy Nhơn tăng nhanh từ tháng 8 và rất nhanh trong tháng 11-12.2015. Chỉ trong 2 tháng cuối năm, toàn thành phố ghi nhận tới 518 ca; nhiều nhất là phường Đống Đa (70 ca), tiếp đó là Nhơn Phú (68 ca), Nhơn Bình (62 ca), Ngô Mây (52 ca), Trần Quang Diệu (47 ca)… Đến thời điểm này, chỉ duy nhất xã đảo Nhơn Châu là chưa có ca mắc.
Quang cảnh cuộc họp chiều 4.1.
Không khó để chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng báo động trên. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn Cừ Nguyễn Thị Hoàng Nguyệt, nhận thức và thực hành vệ sinh phòng bệnh của cộng đồng còn hạn chế. Người dân chưa tự giác kiểm tra, loại trừ ổ chứa bọ gậy tại hộ gia đình. “Khi đội diệt bọ gậy đến nhà, ngay cả một cán bộ phường mới nghỉ hưu cũng quyết liệt lắc đầu: “Nhà tui làm gì có thứ đó mà kiểm tra”. Thế nhưng khi kiểm tra sau nhà, cán bộ y tế phát hiện một thùng xốp để trên xe đạp đọng nước mưa lâu ngày của khách trọ lúc nhúc bọ gậy”, bà Nguyệt kể.
Trong khi đó, Phó Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn Trần Kỳ Hậu thừa nhận, hiệu quả của công tác phun hóa chất diệt muỗi cũng chưa đạt yêu cầu. Người dân chưa hợp tác, vẫn đóng cả cửa chính lẫn cửa sổ mỗi khi tổ chức phun hóa chất. Song, nói đi cũng phải nói lại. Đã có ý kiến bức xúc của một số hộ dân ở phường Quang Trung, phản ánh tình trạng “mù tịt” thông tin về hoạt động phun hóa chất diệt muỗi. Khi người phun hóa chất đi qua, thấy nhà đóng cửa nhưng cũng không gõ cửa, người trong nhà không hề biết, sao có thể “hợp tác” được?
Ngoài ra, Giám đốc TTYT dự phòng tỉnh Bùi Ngọc Lân cũng nêu một chi tiết đáng chú ý: hoạt động xử lý hóa chất trên địa bàn TP Quy Nhơn đã được lên kế hoạch từ trước tháng 11, nhưng phải đến giữa tháng 12 mới thực hiện là quá chậm. Bên cạnh đó, còn có những lý do khách quan khiến SXH bùng phát. “TP Quy Nhơn và TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) có chung một đặc thù rất khó giải quyết là đều được lắp đặt hố ga ngăn mùi kiểu mới. Theo khảo sát của chúng tôi, có trên 40% số hố ga ở Quy Nhơn có bọ gậy SXH. Để xử lý, phải dùng hóa chất diệt bọ gậy đổ xuống hố ga, nhưng chỉ cần có mưa là trôi hết”, ông Lân phân tích.
Xe phun hóa chất diệt muỗi đi qua nhưng cửa nhà vẫn đóng im ỉm. (Ảnh chụp ngày 18.12.2015, tại phường Quang Trung, TP Quy Nhơn)
“Dịch đâu chờ chúng ta đủ tiền”
Đó là chia sẻ rất thật của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Thanh Thắng khi nói về những vướng mắc liên quan đến kinh phí mà UBND TP Quy Nhơn và các phường, xã đã đề cập. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Quy Nhơn Nguyễn Tiến Dũng cho hay, năm 2015 ngân sách thành phố hụt thu đến gần 90 tỉ đồng, “thiếu trước hụt sau”, nên nguồn dự phòng cũng rất khó để hỗ trợ cho phòng chống dịch. Phó Chủ tịch UBND phường Đống Đa Nguyễn Hữu Phúc cũng than thở: “Thành phố đã khó, phường càng khó hơn!”.
Tuy nhiên, đồng chí Mai Thanh Thắng nhấn mạnh, phòng chống dịch phải là ưu tiên hàng đầu, phải nhận được sự quan tâm lớn, nhất là về kinh phí. “Thời gian vừa rồi, tôi thấy thành phố chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa đồng bộ. Mỗi cấp phải tự nỗ lực giải quyết khó khăn, tránh việc phường ỷ lại thành phố, thành phố ỷ lại tỉnh”, Phó Chủ tịch lưu ý.
Theo kế hoạch triển khai chống dịch SXH toàn TP Quy Nhơn đầu năm 2016, sẽ có 2 đợt phun hóa chất: đợt 1 từ 14.1 - 1.2, đợt 2 từ 27.2 - 17.3. Đồng thời, phát động chiến dịch diệt bọ gậy trên toàn thành phố với 70.929 hộ dân tham gia. Dự toán kinh phí thực hiện là hơn 1,48 tỉ đồng.
Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Hưng cho rằng, nguồn thu của thành phố hụt 1 thì tỉnh hụt đến 3. “Trong tình thế đó, ngân sách tỉnh cũng phải hết sức tiết kiệm. Như vừa rồi đã có chủ trương Dạ hội Giao thừa mọi năm chi không dưới 1 tỉ đồng, năm nay nhất định chỉ dưới 800 triệu đồng. Thành phố cũng phải thế, muốn có kinh phí chống dịch thì phải co kéo, giảm chi những khoản không thiết yếu”, ông Hưng bày tỏ.
Để khắc phục những hạn chế trong hoạt động xử lý hóa chất, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Tuyết Nhung nhấn mạnh yêu cầu phải thông báo rõ ràng, cụ thể về lịch phun đến từng hộ dân. Công tác tuyên truyền cần có trọng điểm, giúp người dân có ý thức tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ khi mắc bệnh. Về hoạt động diệt bọ gậy, ông Bùi Ngọc Lân cho rằng, vẫn còn “yên ắng”, chưa khuấy động được trong cộng đồng. “Cần có biện pháp mạnh tay hơn, nếu cần thì áp dụng xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực phòng chống dịch - đặc biệt là những nơi có nguy cơ cao như các quán cà phê có chậu cảnh, các tiệm sửa xe có nhiều lốp xe cũ…”, ông Lân gợi ý.
NGUYỄN VĂN TRANG