Cảnh giác với biến chứng thoát vị bẹn ở trẻ
Ngày 4.1, bé K.L.V.H (27 ngày tuổi, ở xã Cát Thành, huyện Phù Cát) đã được xuất viện sau 8 ngày điều trị tích cực tại khoa Ngoại Tổng hợp, BVĐK tỉnh. Bé H. bị thoát vị bẹn với những biến chứng rất nặng nề, đến mức phải cắt bỏ 1 tinh hoàn.
Bé H. được đưa vào khoa Ngoại Tổng hợp (BVĐK tỉnh) lúc 14 giờ 10 phút ngày 28.12 với biểu hiện viêm phù nề vùng bìu. Bà Nguyễn Thị T. - bà nội của bé H. cho hay, từ lúc bé được sinh ra, cả nhà không thấy có gì bất thường. Trước khi nhập viện 3 ngày, bé có vẻ khó chịu, quấy khóc, sau đó phát sốt. Quan sát toàn thân mới phát hiện vùng bìu có dấu hiệu sưng tấy.
Bé H. được chăm sóc tại khoa Ngoại Tổng hợp.
Kết quả siêu âm cho thấy bìu hai bên sưng to, phù nề lan tỏa da bìu, tụ dịch bao màng tinh hoàn, bên trong có nhiều quai ruột ứ dịch, thành không có mạch. Các bác sĩ kết luận bé H. bị thoát vị bẹn có biến chứng nặng, vừa nghẹt ruột, vừa gây chèn ép, teo tinh hoàn đến mức hoại tử tinh hoàn. Ngay trong chiều 28.12, bác sĩ Hàn Cảnh Định và bác sĩ Lê Bá Thao đã phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn bên trái, khâu lại ống phúc tinh mạc cho bé H. Đây không phải là một loại phẫu thuật khó, nhưng bệnh nhân quá nhỏ tuổi, nên đòi hỏi phẫu thuật viên phải hết sức khéo léo, tinh tế và được đào tạo bài bản về phẫu nhi.
Theo Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp Phạm Văn Phú, thoát vị bẹn là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, trẻ trai nhiều hơn trẻ gái. Bệnh lý này gây biến chứng nghẹt ruột hoặc mạc nối lớn; chèn ép, teo tinh hoàn, nghiêm trọng nhất là hoại tử tinh hoàn. Trường hợp vừa bị nghẹt ruột, vừa hoại tử tinh hoàn như bé H. là rất hiếm gặp. Trước đây, cả bác sĩ và người nhà đều rất ngại can thiệp thoát vị bẹn ở trẻ nhỏ, kéo dài bệnh đến khi trẻ hơn 1 tuổi. Nhưng ngày nay, với sự phát triển của hồi sức nhi, thực hiện phẫu thuật điều trị được thực hiện càng sớm càng tốt, đặc biệt là những trẻ có biến chứng nặng.
“Việc phát hiện sớm chứng thoát vị bẹn rất quan trọng. Nếu trẻ bị ở 1 bên tinh hoàn thì 2 bên tinh hoàn sẽ mất cân đối, sưng phồng ở vùng bẹn, bìu, nhất là khi trẻ rặn, chạy nhảy. Nếu bị cả 2 bên thì sưng phồng cả 2 bên, bị sệ tinh hoàn, nhất là khi bị tăng áp lực bụng như khóc, rặn… Khi thấy các biểu hiện này thì cần đưa trẻ đi khám ngay để phát hiện sớm, điều trị kịp thời”, bác sĩ Phú lưu ý.
MAI LÂM