Rạp cưới lấn đường
Vào mùa cưới, ra đường trúng ngày tốt, tôi gặp gần chục cái đám cưới trên đường đi làm. Những ngày ấy, vừa lái xe, vừa liếc nhanh qua mấy cái rạp, cổng hoa đủ màu sắc, lòng cũng thấy rộn ràng, vui lây cho gia đình nọ vì sắp có “ông rể mới” hoặc “cô dâu hiền”. Nhưng rồi, cái rạp cưới cũng có lần làm người đi đường chột dạ.
Tuần trước, vợ chồng ông anh họ về thăm nhà cha mẹ ở huyện. Trời mưa lâm râm, con đường trơn trợt. Ông anh bảo đã lái xe cẩn thận, nhưng đến một đoạn có rạp cưới dựng lấn ra ngoài đường thì gặp chuyện. Giữa một bên cô dâu, chú rể và họ hàng đứng đón khách, một bên xe tải bấm còi inh ỏi đòi vượt lên, ông anh chọn cách đi chầm chậm. Nào ngờ lúc ấy, trẻ con từ trong rạp chạy ra, anh lách xe tránh được đứa nhỏ thì vươn vào xe máy đang vượt lên, ngã xuống đường. May sao, chỉ là va chạm nhẹ, trầy xước ngoài da.
Từ đó, ông anh đâm ra khó chịu với mấy rạp cưới dựng ngoài đường, nhất là mấy rạp cưới choáng nhiều diện tích mặt đường, ngõ, hẻm. Mà kỳ một nỗi, bây giờ, đi dọc quốc lộ, anh gặp khá nhiều những rạp cưới kiểu lấn đường như thế. Biết nỗi khó chịu ấy của anh, vợ anh bàn ra: “Cũng không ai muốn dựng rạp như thế đâu. Chắc vì nhà chật chội, không đủ điều kiện thuê nhà hàng, khách sạn, họ mới phải làm vậy. Cưới hỏi là chuyện vui, mình cũng nên thông cảm cho người ta”.
Ông anh tôi lắc đầu, nói: “Có là chuyện vui đi nữa thì cũng không nên để ảnh hưởng đến người khác, nhất là an toàn cho người tham gia giao thông. Anh nghĩ, thay vì dựng rạp trước nhà, lấn ra đường đi thì nên chọn những khu đất trống hay sân nhà văn hóa thôn... để tổ chức. Có thể xa nhà một chút nhưng lại được thoải mái cho cả khách và người đi đường. Chứ chẳng may vì hỷ sự của nhà mình mà xảy ra một vụ tai nạn nào đấy thì đáng tiếc, mất cả vui”.
Tôi thấy ông anh bàn cũng hợp lý, hợp tình. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn đến rạp cưới ven đường, vận động bà con dựng rạp ở khu đất an toàn tại khu dân cư, tránh ảnh hưởng đến người tham gia giao thông.
HÀ THANH