Dự án Hỗ trợ y tế vùng Duyên hải Nam Trung bộ: Hỗ trợ đa dạng, hiệu quả thiết thực
Được triển khai tại Bình Định từ tháng 3.2009 - 6.2015 với tổng kinh phí giải ngân hơn 161 tỉ đồng, Dự án Hỗ trợ y tế vùng Duyên hải Nam Trung bộ (Dự án) đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của ngành Y tế tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải duy trì hiệu quả của từng sự hỗ trợ thời “hậu dự án”.
Dự án được triển khai tại TP Đà Nẵng và 7 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tổng vốn toàn Dự án là 80 triệu USD; trong đó vốn ODA 72 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của Trung ương và các địa phương. Dự án có 4 thành phần chính: nâng cấp cơ sở y tế và trang thiết bị, phát triển nguồn nhân lực y tế, cải thiện chất lượng dịch vụ y tế cho người nghèo, tăng cường năng lực quản lý.
Máy rửa phim X-quang tự động tại TTYT huyện Hoài Nhơn đạt công suất trung bình 1.000 phim/tháng.
Đóng góp nhiều mặt
Tháng 10.2014, khu điều trị nội trú của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng. Tổng kinh phí xây dựng khu nhà 3 tầng này cùng hành lang cầu nối vào khu hành chính - khoa Khám của Bệnh viện lên đến hơn 32 tỉ đồng, được hỗ trợ từ Dự án. Đó là một khu nhà khang trang, sạch sẽ, với những dãy hành lang rộng rãi có kê ghế, lắp đặt ti vi để bệnh nhân thư giãn.
Khu điều trị nội trú được bố trí cho 3 chuyên khoa: Nội, Nhi và Ngoại- Phụ. Theo Giám đốc Bệnh viện Lê Phước Nin, số giường bệnh theo kế hoạch là 150 giường, nhưng số thực kê đã lên đến 172 giường. “Phải nói là quá đẹp so với cơ sở cũ trước đây. Công trình này đã giúp Bệnh viện thu hút nhiều bệnh nhân đến điều trị”, bác sĩ Nin chia sẻ.
Có khu nhà mới, tổng số bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh từ 1.637 lượt (năm 2010) đã tăng lên 1.867 lượt (năm 2014). Bên cạnh công trình này, 2 hạng mục lớn khác được xây dựng trong khuôn khổ của Dự án cũng góp phần quan trọng làm tăng số người sử dụng dịch vụ y tế tại các bệnh viện được đầu tư. Tại BVĐK tỉnh (xây dựng mới Nhà khám với kinh phí hơn 103 tỉ đồng), tổng số lượt khám bệnh tăng từ 185.150 lượt (năm 2010) tăng lên 262.156 lượt (năm 2014). Với TTYT huyện Phù Mỹ (xây dựng mới nhà mổ, khoa Hồi sức cấp cứu, khoa Dược với kinh phí hơn 9,4 tỉ đồng), tổng số lượt phẫu thuật từ 686 ca (năm 2010) lên 782 ca (năm 2014), lượng bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực cũng tăng từ 485 ca lên 760 ca…
Cùng với các hạng mục xây mới, Dự án còn hỗ trợ nhiều trang thiết bị cho các cơ sở y tế. Riêng TTYT huyện Hoài Nhơn được đầu tư 19 loại trang thiết bị, trị giá gần 5,8 tỉ đồng. Giám đốc TTYT huyện Hoài Nhơn Trần Hữu Vinh cho hay, nhiều trang thiết bị phát huy tối đa hiệu quả sử dụng tại đơn vị. Chẳng hạn, máy tạo oxi di động kịp thời hỗ trợ cho nhiều trường hợp cấp cứu. Máy rửa phim X-quang tự động đáp ứng nhu cầu về thời gian, tiết kiệm nhân lực, công suất trung bình đạt 1.000 phim/tháng. Máy phân tích huyết học tự động trung bình 1.200 mẫu/tháng…
Chú trọng “hậu dự án”
Phát biểu tại hội nghị tổng kết Dự án được tổ chức cuối tháng 12.2015, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Thanh Thắng đánh giá cao hiệu quả từ những hoạt động hỗ trợ của Dự án. Dự án đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở tất cả các tuyến, đặc biệt là tuyến cơ sở, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết một số vấn đề bức bách hiện nay như giảm tải bệnh viện, xây dựng lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, tăng cường khoa học và công nghệ cho y tế cơ sở…
Để đảm bảo tính bền vững của nguồn hỗ trợ sau khi Dự án kết thúc, đồng chí Mai Thanh Thắng yêu cầu Sở Y tế phải kiểm tra, soát xét việc lắp đặt, sử dụng các trang thiết bị để đảm bảo mang lại hiệu quả cao nhất. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị y tế thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng định kỳ đối với các công trình xây dựng; quản lý chặt chẽ, vận hành đúng quy trình đối với các trang thiết bị được Dự án đầu tư.
Không phải ngẫu nhiên mà công tác giám sát các công trình, trang thiết bị y tế từ nguồn hỗ trợ được quan tâm. Thực tế cho thấy, vẫn có một số máy móc, thiết bị được hỗ trợ chưa đáp ứng “trúng” nhu cầu cần kíp của cơ sở y tế. Đó là chưa kể trường hợp thiết bị “đắp chiếu” do hư hỏng nhưng không có kinh phí sửa chữa; có máy nhưng chưa có cán bộ chuyên môn để sử dụng…
Bên cạnh đó, công tác duy tu các hạng mục, công trình xây dựng cũng là vấn đề cần lưu tâm. Bác sĩ Lê Phước Nin cho biết, sau vài tháng đưa vào sử dụng, khu nhà điều trị nội trú của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã có dấu hiệu thấm dột ở một số phòng. Dù đơn vị thi công đã có sửa chữa khắc phục, nhưng vẫn chưa đảm bảo chống thấm.
NGUYỄN VĂN TRANG