Gìn giữ di sản cồng chiêng
Cồng chiêng có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Bana Kriêm. Trước tình trạng cồng chiêng ngày càng mai một, tại nhiều làng ở huyện Vĩnh Thạnh, đồng bào đã nỗ lực bảo tồn và phát huy di sản quý báu này.
Những năm gần đây, việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng được nâng cao hơn ở các làng đồng bào dân tộc huyện Vĩnh Thạnh. Để góp thêm cho công tác này, Công ty cổ phần gạch tuynen Bình Định đã hỗ trợ 180 triệu đồng để mua 6 bộ cồng chiêng mới cho 6/6 làng của xã Vĩnh Kim. Ngay sau đó, UBND xã Vĩnh Kim phối hợp với Trung tâm VH-TT-TT huyện Vĩnh Thạnh tổ chức thành công ngày hội cồng chiêng xã Vĩnh Kim.
Người dân xã Vĩnh Kim vui mừng trong ngày đón nhận cồng chiêng mới.
Chung lo với đồng bào
Ở làng 5, xã Vĩnh Thuận, người dân còn tự góp tiền mua bộ cồng chiêng chung cho làng. Già làng Đinh Siêng vui vẻ cho biết: “Cán bộ địa phương và những người có uy tín trong làng đã họp bàn vận động người dân đóng tiền mua bộ cồng chiêng mới để diễn tấu các dịp lễ hội. Việc vận động này đúng cái bụng của dân làng, nên chỉ sau vài ngày thông báo tất cả bà con đều đóng tiền (100 ngàn đồng/người) để mua bộ cồng chiêng hơn 11 triệu đồng. Nhờ đó, chúng tôi cũng xây dựng được đội cồng chiêng gần 20 người để tập luyện và thường xuyên diễn tấu trong nhiều hoạt động của làng”.
Nhiều làng đồng bào dân tộc ở Vĩnh Thạnh rất quan tâm đến việc xây dựng, đào tạo lực lượng tham gia diễn tấu cồng chiêng. Tiêu biểu trong số này là làng M2, xã Vĩnh Thịnh. Nghệ nhân Đinh Kim, ở làng M2, tâm sự: “Cồng chiêng là phần hồn không thể mất được của các làng đồng bào dân tộc Bana Kriêm. Bên cạnh việc duy trì hai đội cồng chiêng ở các lứa tuổi cao niên và trung niên, nhiều năm qua, tôi còn đứng ra vận động, tập hợp thành lập CLB cồng chiêng để hướng các cháu gìn giữ nguồn cội”.
CLB cồng chiêng làng M2 sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần, thu hút được một số bạn trẻ tham gia. Bá Trinh, một người dân của làng, hào hứng: “Tôi đã luyện tập và tham gia diễn tấu cồng chiêng mười mấy năm qua. Giờ thật sướng cái bụng khi được tham gia truyền dạy cho các em, các cháu cái tai nghe, cái tay đánh những điệu cồng chiêng mang nét độc đáo riêng của dân tộc mình”.
Hơn 20 năm qua, Trường PTDT nội trú huyện Vĩnh Thạnh đã nhờ các nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng cho học sinh, đồng thời duy trì và tạo điều kiện cho các đội cồng chiêng tập luyện, biểu diễn. Năm 2012, đội cồng chiêng và múa xoang của nhà trường được thành lập, với lực lượng nòng cốt là hơn 30 học sinh lớp 7-9. Từ mái trường này, nhiều thế hệ học sinh đã được bồi đắp niềm yêu thích và những hành động thiết thực tham gia bảo tồn văn hóa cồng chiêng.
Cần thêm những hoạt động cụ thể
Theo thống kê của Phòng VH-TT huyện Vĩnh Thạnh, hiện trên địa bàn chỉ còn khoảng trên 80 bộ cồng chiêng được lưu giữ trong các nhà rông, hộ gia đình của các làng. Đến giờ, một số làng không có bộ cồng chiêng chung, hoặc chỉ có vài bộ cồng chiêng của cá nhân, gây nhiều khó khăn trong việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng.
Ông Huỳnh Đức Bảo, Trưởng Phòng VH-TT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Nhiều ý kiến của người dân đề nghị cấp cho một bộ cồng chiêng. Chúng tôi đã đề nghị Sở VH-TT&DL phân bổ kinh phí từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa hằng năm để cấp cho các làng mua cồng chiêng, nhưng từ năm 2010 đến 2012 vẫn chưa thấy gì”.
Việc mua mới cồng chiêng cho các làng là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là không chỉ trông chờ vào ngân sách, mà nên vận động các doanh nghiệp, người dân cùng tham gia xã hội hóa. Ông Đinh Lê, nguyên Bí thư Chi bộ làng 5, xã Vĩnh Thuận, chia sẻ: “Đời sống dân làng tôi còn nhiều khó khăn nhưng vẫn hưởng ứng góp tiền mua cồng chiêng. Làm việc gì cũng thế thôi, đúng đường lối, hợp lòng dân thì sẽ thành công. Bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc là việc nên làm, người dân ủng hộ ngay thôi”.
Muốn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng, điều quan trọng nhất là phải có lực lượng tham gia truyền dạy, diễn tấu cồng chiêng. Vì vậy, huyện Vĩnh Thạnh cần quan tâm hơn nữa về vấn đề này để có những sự động viên, hỗ trợ thiết thực. “Phòng VH-TT và Trung tâm VH-TT-TT huyện Vĩnh Thạnh đang xây dựng kế hoạch để nhân rộng mô hình tiêu biểu như làng M2 bằng nhiều hình thức. Trong đó, có việc mời các nghệ nhân giỏi để mở các lớp dạy diễn tấu cồng chiêng. Chúng tôi cũng sẽ tham mưu cho UBND huyện để tổ chức riêng một ngày hội cồng chiêng cho bà con cùng tham gia, trao đổi”, ông Huỳnh Đức Bảo cho biết thêm.
HOÀI THU