5 ca tử vong, sốt xuất huyết “căng như dây đàn”!
Ngày 7.1, Sở Y tế xác nhận Viện Pasteur Nha Trang đã có kết luận 4 ca tử vong nghi do sốt xuất huyết (SXH) trong tháng 12.2015 trên địa bàn tỉnh dương tính với vi-rút SXH Dengue. Như vậy, cả tỉnh đã có 5 ca tử vong do SXH (1 ca trong tháng 11.2015). Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Lê Quang Hùng đã lo lắng: “Tình hình căng như dây đàn!”.
Bệnh nhân SXH điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa trưa ngày 7.1.
2.726 và 5
Đó là tổng số ca mắc và số ca tử vong do SXH được ghi nhận trên địa bàn trong năm 2015 - những con số mà chính những người công tác lâu năm trên lĩnh vực y tế dự phòng cũng không khỏi giật mình. Bên cạnh số ca mắc ở mức rất cao, số ca bệnh nặng cũng chiếm tỉ lệ lớn. Và, nếu không có sự nỗ lực hết mình của đội ngũ điều trị, chắc chắn lượng bệnh nhân tử vong không dừng lại ở con số 5.
Đặc biệt, 4/5 ca tử vong là trẻ em. Theo Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi, BVĐK tỉnh, các trường hợp tử vong đều là những ca SXH Dengue rất nặng với các biểu hiện sốc, sốc nặng, suy đa tạng (gan, tim), rối loạn đông máu, xuất huyết nặng, ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển) nặng.
Trong các trẻ tử vong do SXH, bé C.L.N.H. (3 tuổi, ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) có thời gian nằm viện rất ngắn, diễn tiến nặng rất nhanh. Nhập viện tại BVĐK tỉnh chiều 20.12, bé H. được chẩn đoán SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo; 23 giờ cùng ngày đã tiên lượng nặng. 18 giờ ngày hôm sau, đã có biểu hiện sốc, suy gan nặng, tổn thương tim, đe dọa tử vong. Đến 0 giờ 50 phút ngày 22.12, bé H. đã tử vong.
Theo bác sĩ Lê Quang Hùng, một điểm đáng lưu ý là các ca SXH nặng trong thời gian qua phần lớn có biểu hiện không điển hình, nhiều trường hợp không xuất hiện nốt xuất huyết, rất khó chẩn đoán chính xác ngay từ đầu. Gia đình cho các bé uống thuốc hạ sốt ngay tại nhà, đến khi trở nặng mới đi viện.
Như trường hợp bé N.M.K. (4 tháng tuổi, ở xã Nhơn An, thị xã An Nhơn) sốt cao liên tục từ ngày 4.12, người nhà cho uống thuốc nhưng không đỡ, hôm sau bị nôn mửa nên mới đưa vào TTYT thị xã An Nhơn. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán sốt siêu vi, kèm viêm mũi họng. Đến chiều 9.12, chẩn đoán SXH có dấu hiệu cảnh báo và chuyển BVĐK tỉnh. Trưa 11.12 thì gia đình xin đưa về và tử vong tại nhà.
Một trường hợp khác là bệnh nhân T.L.H. (23 tuổi, ở phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn), mắc bệnh từ ngày 21.12, nhưng đến 25.12 mới nhập viện BVĐK tỉnh với chẩn đoán ban đầu là sốt siêu vi, sau đó là sốt chưa rõ nguyên nhân. Đến 21 giờ 15 ngày 26.12, chị H. được chuyển sang khoa Hồi sức cấp cứu Nội với chẩn đoán SXH ngày thứ 5 có biến chứng sốc. Chiều hôm sau, gia đình xin về và bệnh nhân tử vong tại nhà.
Tập trung tối đa cho điều trị
Trước diễn biến thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH như hiện nay, số ca mắc và ca nặng tiếp tục tăng, hoạt động điều trị càng thêm nặng nề. Khoa Nhi (BVĐK tỉnh) có 100 giường bệnh, nhưng lượng bệnh nhân hiện tại luôn xấp xỉ 300, trong đó hết 1/3 là bệnh nhân SXH. Phòng hồi sức nhi hiện có đến 10 bệnh nhân SXH nặng; tất bật, căng thẳng là không khí thường trực ở đây. Dù bác sĩ đã căn dặn người nhà phải hết sức cảnh giác, nhưng không ít ông bố bà mẹ quá mệt mỏi đã thiếp đi ở góc giường, cạnh cơ man máy móc, dây nhợ.
Bác sĩ Phạm Văn Dũng cho hay, trước tình hình căng thẳng, UBND tỉnh và Sở Y tế đã cung cấp cho khoa Nhi 2 máy monitoring, 4 bơm truyền dịch, 6 bơm tiêm điện, 4 máy đo SpO2 cầm tay. Khoa cũng được tăng cường đến 19 điều dưỡng.
Tại Bệnh viện Phong- Da liễu Trung ương Quy Hòa, tình hình điều trị SXH cũng rất căng thẳng. Trong số 45 ca SXH hiện có vào trưa 7.1, có đến 34 ca thuộc diện theo dõi cấp I tại khoa Hồi sức cấp cứu. Theo Giám đốc Nguyễn Thanh Tân, các bác sĩ và điều dưỡng có kinh nghiệm ở khối hành chính và các khoa khác cũng được tăng cường cho hoạt động điều trị SXH. “Những bệnh nhân theo dõi cấp I đều phải được kiểm soát các chỉ số sinh tồn vào đầu buổi sáng và đầu buổi chiều. Chúng tôi cũng tăng cường phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn trong hoạt động điều trị”, bác sĩ Tân cho hay.
Trước tình hình phức tạp của dịch SXH, trong 2 ngày 6 và 7.1, đoàn công tác của Viện Pasteur Nha Trang, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn đã kiểm tra công tác phòng chống SXH tại Bình Định. Theo Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang Viên Quang Mai, nguyên nhân chính khiến các ca SXH nặng là sự xuất hiện của cả 4 type vi-rút SXH, đặc biệt là type D2 đã tăng 7 lần so với các mùa dịch trước đây. Còn các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đánh giá khoa Nhi đã điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế và có hướng xử trí phù hợp tùy theo diễn biến của từng ca bệnh. Tới đây, các bác sĩ của 2 bệnh viện sẽ tích cực trao đổi, hội chẩn các ca SXH nặng, điều trị gặp khó khăn, tiên lượng xấu.
2/5 ca tử vong do SXH được chuyển tuyến ngay trong ngày nhưng vẫn không qua khỏi do bệnh quá nặng, diễn tiến nhanh. Ðó là bé H.A.V. (7 tuổi, ở xã Cát Tân, huyện Phù Cát) được chuyển từ TTYT huyện Phù Cát vào BVÐK tỉnh trong ngày 3.12. Còn bé N.T.Q.K. (4 tuổi, ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn) cũng được chuyển từ BVÐK khu vực Bồng Sơn vào BVÐK tỉnh ngay trong ngày 9.11. Theo bác sĩ Lê Quang Hùng, trong bối cảnh các ca bệnh nặng diễn tiến nhanh, hoạt động phối hợp, chuyển tuyến đóng vai trò rất quan trọng.
NGUYỄN VĂN TRANG