Ðưa ngư dân hồi hương đón Tết
Mới đây, nhiều ngư dân Bình Ðịnh, trong đó phần lớn ở huyện Hoài Nhơn, bị các nước Indonesia, Malaysia bắt giữ do đánh bắt cá vi phạm vùng biển của họ đã được Ðại sứ quán Việt Nam tại các nước này nỗ lực can thiệp, đưa về nước để kịp đón Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Các ngư dân trên tàu cá BĐ 95360-TS vừa được trở về từ Indonesia trao đổi với cán bộ Đồn biên phòng Tam Quan Nam. Ảnh: NG.PHÚC
Niềm vui được về nhà
Trở về nhà sau 3 tháng bị Indonesia bắt giữ, 9 ngư dân trên tàu cá BĐ 95360-TS ở xã Hoài Hương (Hoài Nhơn) vui mừng không thể tả xiết. Gặp chúng tôi, các ngư dân đều bảo nhờ các cấp chính quyền, nhà nước, đặc biệt là Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia can thiệp, giúp đỡ mới sớm được về nước để kịp đón Tết Nguyên đán.
Ngư dân Lương Tấn Để (53 tuổi, ở thôn Ca Công, xã Hoài Hương) kể lại: “Ngày 3.9.2015, tàu cá BĐ 95360-TS trên tàu có 10 ngư dân do ông Huỳnh Duy Phu (34 tuổi) làm thuyền trưởng, xuất bến tại Khánh Hòa đi đánh bắt cá tại vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Indonesia, đến ngày 22.9.2015 thì tàu bị phía Indonesia bắt giữ do đánh bắt vi phạm vùng biển của họ. Do đây là lần đầu tiên bị bắt giữ nên mọi người trên tàu rất lo sợ, mãi đến khi họ đưa phương tiện và người vào đất liền, đối xử tử tế, chúng tôi bớt lo”.
“Ðược về nhà đoàn tụ với gia đình lại kịp đón Tết, chúng tôi ai cũng mừng, nhưng vẫn còn một số ngư dân trên tàu này, trong đó có thuyền trưởng Huỳnh Duy Phu, vẫn chưa được thả. Mong các cấp, các ngành và Chính phủ tiếp tục can thiệp để họ sớm được về nước để đón cái Tết cổ truyền đầm ấm, sum vầy”, ông Nguyễn Văn Tuấn (40 tuổi) một trong những ngư dân trên tàu BÐ 95360-TS bày tỏ.
Ông Nguyễn Bồng (62 tuổi) vội tiếp lời: “Chúng tôi đang lo lắng không biết làm cách nào để được về nhà thì giữa tháng 12.2015, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn đã trực tiếp đến khu vực chúng tôi bị giam lỏng để thăm hỏi, động viên và lắng nghe tâm tư nguyện vọng, rồi còn tặng quà cho từng ngư dân. Khi đó ông Đại sứ còn khẳng định, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam luôn quan tâm đến ngư dân và sẽ làm hết sức mình để giúp đỡ ngư dân thì chúng tôi rất mừng và chờ đợi. Vài ngay sau đó, chúng tôi được phép làm thủ tục và ngày 23.12.2015, 42 ngư dân trong đó có 9 ngư dân Bình Định chính thức lên máy bay về lại Việt Nam”.
Ngư dân trẻ Ngô Kim Hoàng (28 tuổi) cũng cho biết thêm, trong thời gian cảnh sát biển Indonesia đưa ngư dân vào giam lỏng tại khu Batam, thuộc quần đảo Riau, họ đã cung cấp thực phẩm đầy đủ để các ngư dân tự nấu ăn, được mua sim điện thoại để liên lạc về nhà thường xuyên để báo tin cho gia đình. Thậm chí một số ngư dân còn được dân địa phương đến thuê đi làm phụ hồ và được trả công 70 - 100 rupiah/buổi, tính ra tiền Việt được khoảng 140 - 200 ngàn đồng”.
Video: Hoàng Phạm - Nguyễn Phúc
Đẩy mạnh tuyên truyền để hạn chế tình trạng vi phạm
Hoài Nhơn có lượng phương tiện đánh bắt hải sản lớn nhất tỉnh, trong đó hàng ngàn tàu cá công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ. Hằng năm, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Bình Định đã chỉ đạo các đồn, trạm biên phòng trên tuyến biển, đảo tổ chức hàng trăm buổi họp dân, tuyên truyền về luật biển, an toàn hàng hải và cam kết không đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài không giảm, thậm chí còn gia tăng. Theo CA tỉnh, năm 2015 số tàu cá bị nước ngoài bắt giữ tăng 7 tàu/132 ngư dân so với năm 2014, chủ yếu tàu ở huyện Hoài Nhơn.
Còn theo thống kê của Đồn biên phòng Tam Quan Nam, trong năm 2015, có 29 tàu/223 ngư dân ở huyện Hoài Nhơn bị Indonesia, Malaysia bắt giữ do đánh bắt vi phạm vùng biển của họ. Đến cuối tháng 12.2015, 175 ngư dân đã được thả về nước, còn 48 ngư dân vẫn bị giữ lại.
Theo thượng tá Lê Ngọc Thân, Chính trị viên Đồn biên phòng Tam Quan Nam (Hoài Nhơn), những năm qua, đơn vị chú trọng tuyên truyền cho ngư dân Nghị định 161/2003/NĐ-CP của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới biển, nay là Nghị định 71/2015/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (gọi tắt là Nghị định 71). Mặt khác, đơn vị phối hợp với Hội Nông dân các cấp xây dựng tổ tàu thuyền đoàn kết đánh bắt xa bờ để hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong khi tham gia đánh bắt trên biển. Thời gian qua trước tình hình tàu cá bị bắt giữ quá nhiều, Đồn đã tập trung tuyên truyền thông qua hệ thống đài truyền thanh của địa phương, tại cuộc họp khu dân cư, tổ tàu thuyền đoàn kết nhằm giúp ngư dân nắm rõ đâu là vùng biển Việt Nam, đâu là vùng biển nước ngoài để khi tham gia đánh bắt trên biển tránh vi phạm vùng biển nước ngoài.
Thượng tá Lê Ngọc Thân cho biết, để hạn chế tình trạng vi phạm của ngư dân trong thời gian tới, Đồn sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về Nghị định 71 bằng nhiều hình thức khác nhau để ngư dân nhận thức rõ hơn. Tuy nhiên, về phía mình, ngư dân đừng quá mê mải luồng cá đến mức vi phạm vào khu vực thuộc “vùng cấm”. Một khi đã bị cảnh sát biển các nước bắt giữ thì các phương tiện và ngư lưới cụ cũng sẽ bị tịch thu. Thiệt hại về tài sản sẽ rất lớn.
NGUYỄN PHÚC