Chương trình Bảo vệ trẻ em tỉnh giai đoạn 2011-2015: Hướng đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Theo Sở LĐ-TB&XH, Chương trình Bảo vệ trẻ em tỉnh giai đoạn 2011-2015 được triển khai đồng bộ và hiệu quả, góp phần chăm lo toàn diện cho trẻ, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Đáng chú ý, đến cuối năm 2015, tỉ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên toàn tỉnh là dưới 5,5% tổng số trẻ em, đạt mục tiêu đề ra. 82,3% số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển (vượt 2,3% so với mục tiêu). 81% trẻ em được phát hiện có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp để giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ rơi (vượt 11% so với mục tiêu).
Hơn cả những con số
Để có được những kết quả đó, trong 5 năm qua, đã có trên 230 buổi tuyên truyền phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được tổ chức tại cộng đồng cho hàng vạn lượt người dân. Ngành LĐ-TB&XH cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thành công 3 diễn đàn trẻ em cấp tỉnh (năm 2012, 2014 và 2015), 84 diễn đàn về quyền trẻ em tại trường học của các huyện, thị xã, thành phố.
Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Lê Thị Vinh Hương trao các suất bảo trợ dài hạn cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vượt khó học giỏi.
Trong khi đó, tổng số trẻ em được nhận trợ cấp thường xuyên hằng tháng từ nguồn ngân sách tỉnh hiện nay là 3.688 em. Trong đó, có 1.709 trẻ thuộc hộ gia đình đơn thân, 1.584 trẻ khuyết tật và 395 trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Bên cạnh đó, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh còn tích cực vận động, tìm các nguồn hỗ trợ để tiếp sức cho các em đến trường. 5 năm qua, Quỹ đã trao bảo trợ dài hạn cho 10 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vượt khó học giỏi với mức 5 triệu đồng/năm.
“Tất cả những trẻ được bảo trợ dài hạn đều được chọn lọc rất kỹ lưỡng. Đó đều là những em có hoàn cảnh éo le, ngặt nghèo. Khoản bảo trợ hằng năm tuy còn khiêm tốn, nhưng đã phần nào giúp các em và gia đình vơi bớt khó khăn, để các em yên tâm chuyên chú học hành”, bà Lê Thị Vinh Hương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, chia sẻ.
Hoạt động chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cũng nhận được sự quan tâm, vào cuộc của nhiều ngành, hội đoàn thể. Theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn Huỳnh Thị Anh Thảo, toàn tỉnh hiện có 343 trẻ mồ côi không nơi nương tựa được 202 tổ chức Đoàn, Hội, Đội chăm sóc, đỡ đầu. “Không chỉ thăm hỏi, chăm sóc, động viên, hỗ trợ các em trong cuộc sống, các cơ sở Đoàn, Hội, Đội còn thường xuyên liên lạc với chính quyền địa phương, nhà trường để hỏi thăm tình hình học tập và đời sống của các em để có sự can thiệp, hỗ trợ kịp thời, nhất là những em có biểu hiện ham chơi, chểnh mảng học hành. Nhờ vậy, các em có thêm niềm vui và sức mạnh tinh thần để vượt qua khó khăn. Đến nay, đã có 249 em được đỡ đầu đã trưởng thành”, chị Thảo cho biết.
Khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, Chương trình Bảo vệ trẻ em tỉnh vẫn còn không ít tồn tại, khó khăn. Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Mỹ Quang, việc thực hiện Chương trình ở một vài địa phương vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Một số địa phương chưa quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để thực hiện chương trình; còn có tư tưởng trông chờ vào nguồn kinh phí của Trung ương và của tỉnh mà chưa chủ động đầu tư nguồn lực tại chỗ để triển khai công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Thêm vào đó, các điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ em của các địa phương còn ít và chưa được quan tâm đúng mức. Việc quản lý các sản phẩm văn hóa, dịch vụ vui chơi, giải trí dành cho trẻ em chưa được chặt chẽ. Các mô hình chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn sơ sài, chưa phát huy hết hiệu quả, chưa được nhân rộng tại nhiều địa phương. Đội ngũ cộng tác viên hiện nay là nhân viên y tế thôn, bản kiêm nhiệm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em. Việc chi trả thù lao hằng tháng cho cộng tác viên được giao cho ngành Y tế cùng với tiền phụ cấp công việc y tế thôn. Do đó, việc quản lý và triển khai công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của ngành LĐ-TB&XH đối với đội ngũ cộng tác viên gặp nhiều khó khăn.
Theo bà Lê Thị Vinh Hương, để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em, bên cạnh những nỗ lực của ngành, rất cần sự quan tâm của cấp trên trong việc khắc phục những khó khăn khách quan. Cụ thể, với UBND tỉnh, đề nghị phân bổ nguồn kinh phí chi trả cho cộng tác viên từ ngành Y tế sang ngành LĐ-TB&XH để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành LĐ-TB&XH quản lý và triển khai công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em ở cơ sở. Đồng thời, chỉ đạo và đầu tư kinh phí để thực hiện điều tra, thu thập thông tin, cập nhật và quản lý số liệu về trẻ em.
NGUYỄN VĂN TRANG