Đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào trường học
Từ học kỳ II năm học 2013-2014 đến nay, Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện; tuy đạt nhiều hiệu quả nhưng vẫn còn không ít khó khăn.
Lồng ghép giảng dạy phòng, chống tham nhũng
Sở GD&ĐT đã ban hành Công văn số 1232 ngày 11.9.2013 hướng dẫn đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy từ năm học 2013-2014, cùng Công văn số 1899 ngày 25.12.2013 yêu cầu các trường THPT và trực thuộc truy cập trên website (http://www.moet.gov.vn) của Bộ GD&ĐT để lấy tài liệu giáo dục nội dung phòng, chống tham nhũng trong môn Giáo dục công dân cấp THPT (do Bộ biên soạn) làm tài liệu gợi ý, tổ chức giảng dạy lồng ghép, tích hợp nội dung phòng, chống tham nhũng vào môn Giáo dục công dân cấp THPT. Từ đó, các trường đã có sự nghiên cứu đưa vào giảng dạy cho học sinh.
Việc tích hợp nội dung phòng, chống tham nhũng vào môn Giáo dục công dân giúp học sinh nâng cao tinh thần tự giác, trung thực.
- Trong ảnh: Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.
Trong tuần đầu tháng 1.2016, cô Đào Thị Bồng, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân Trường Quốc học Quy Nhơn dạy bài 10 với chủ đề “Quan niệm về đạo đức” cho học sinh hai lớp 10X1, 10X2. Tại mỗi lớp, cô Bồng nhắc lại một số vụ án tham nhũng được xã hội quan tâm trong thời gian qua, và đặt câu hỏi với học sinh: “Các em hiểu thế nào là tham nhũng?”. Rất nhiều học sinh háo hức giơ tay xin trả lời và tỏ ra quan tâm đến vấn nạn này.
Theo phân phối chương trình, nội dung phòng, chống tham nhũng được tích hợp trong 6 tiết (phân bổ trong 3 năm học từ lớp 10-12, mỗi lớp 2 tiết), tập trung vào 4 vấn đề chính: khái niệm về tham nhũng; những biểu hiện của tham nhũng; nguyên nhân, tác hại của tham nhũng đối với nhà nước và xã hội; thái độ ứng xử của học sinh đối với hành vi tham nhũng.
Ngoài ra, các trường còn lựa chọn nội dung này để đưa vào các hoạt động ngoại khóa theo một số hình thức như: báo cáo chuyên đề, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lồng ghép nội dung phòng, chống tham nhũng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt chính trị đầu năm, xây dựng chuyên mục giáo dục về phòng, chống tham nhũng trên trang thông tin điện tử của trường. Đề kiểm tra môn Giáo dục công dân, trong đó có nội dung phòng, chống tham nhũng được ra theo hướng “mở”, để học sinh liên hệ, phân tích, bình luận, biểu đạt chính kiến và định hướng hành vi của mình.
Cần hướng dẫn cụ thể
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, việc tổ chức giảng dạy phòng, chống tham nhũng tại các trường THPT đến nay đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. 100% học sinh được cung cấp kiến thức về phòng, chống tham nhũng. “Qua đó, nâng cao tinh thần tự giác, trung thực của học sinh trong tham gia các hoạt động học tập, thái độ đối với mọi người, ý thức công dân, hành vi tuân thủ kỷ luật, pháp luật. Phần lớn các em nhận thức được tệ nạn tham nhũng phải được loại bỏ trong một xã hội văn minh, hiện đại”, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn nhìn nhận.
Dù được xác định là một nội dung quan trọng, nhưng vì là hoạt động lồng ghép, tích hợp nên giáo viên gặp không ít khó khăn. Cô giáo Đào Thị Bồng cho biết: “Nhiều học sinh đặt ra những câu hỏi rất thực tế nhưng khá nhạy cảm, giáo viên cần có nhiều thời gian để giải thích cặn kẽ với các em. Nhưng, giờ học thì lại không có nhiều để thực hiện điều này…”.
Phó Giám đốc Đào Đức Tuấn cho rằng, trên thực tế, giáo viên môn Giáo dục công dân các trường chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về phòng, chống tham nhũng để có thể làm tốt hơn nhiệm vụ giảng dạy lồng ghép. Vì vậy, bên cạnh việc cần có hướng dẫn thêm từ Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT cũng nên có kế hoạch tập huấn trang bị kiến thức cho đội ngũ giáo viên môn Giáo dục công dân các nhà trường hàng năm.
NGỌC TÚ