CHUYỆN NHÀ TRƯỜNG
Khuyến khích học sinh đọc sách
Những năm qua, các trường học nỗ lực xây dựng thư viện chuẩn, mua nhiều sách, báo và khuyến khích giáo viên, học sinh đến thư viện đọc sách. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, nguồn sách thư viện chưa đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và học tập. Cán bộ thủ thư một trường tiểu học từng chia sẻ: nguồn sách bổ sung mới khoảng 300-400 cuốn mỗi năm học là quá khiêm tốn so với nhu cầu của bạn đọc trong suốt một năm học, trong khi học sinh vùng nông thôn của trường hầu như không có điều kiện tự mua sách cho mình. Đôi ba lần nhìn thấy các em háo hức hỏi có sách mới không, sau đó tỏ chút thất vọng khi quyết định mượn lại những cuốn đã mượn, đã đọc, anh thủ thư đã thầm ước phải chi thư viện có thể cập nhật sách mới hàng tháng để các em đọc thỏa thuê.
Đem chuyện ấy kể lại với một đồng nghiệp, cô bảo học sinh bây giờ toàn vào mạng lướt web, dạo face, xem phim, chơi game, có mấy em chịu vào mạng đọc sách, báo, tin tức, nói gì đến các cuốn sách dày cộm in toàn chữ. Thực tế là vậy và cũng chính vì vậy mà văn hóa đọc trong trường phổ thông đang được quan tâm, chú trọng. Bởi lẽ, với cách đổi mới giáo dục mà Bộ GD&ĐT đang thực hiện, học sinh không thể “học tủ” mà đòi hỏi phải hiểu biết kiến thức để vận dụng thông hiểu. Muốn vậy, học sinh phải phát triển năng lực tự học, biết cách thu thập và xử lý thông tin từ các nguồn khác nhau.
Tất cả học sinh giỏi mà tôi từng gặp chuyện trò đều cho biết rất thích, thậm chí mê đọc sách. Các em đọc sách, báo, truyện trên mạng và trong nhà sách, rồi sưu tầm những tài liệu ngoài nước. Mới đây, Bộ GD&ĐT đã gửi công văn đến các sở GD&ĐT yêu cầu thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy phong trào đọc, hình thành thói quen đọc trong nhà trường và cộng đồng. Bộ yêu cầu Sở hướng dẫn trường mở các lớp giáo dục kỹ năng, phương pháp đọc cho học sinh, phổ biến kinh nghiệm đọc cho người dân. Với học sinh mầm non còn chưa biết chữ, giáo viên các trường dành thời gian đọc sách cho trẻ và hướng dẫn cha mẹ học sinh đọc sách, kể chuyện cho con nghe. Ngoài ra, các trường tổ chức thảo luận trong trường, trao đổi với cha mẹ học sinh để thống nhất áp dụng quy định về thời gian đọc sách tại thư viện trường, ở nhà, trong đó có thời gian cha mẹ đọc sách cùng con. Nhà trường lựa chọn, giới thiệu những cuốn sách thiết thực, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, phù hợp với mục tiêu giáo dục.
Để thu hút người đọc, Bộ cũng đề nghị các cơ sở giáo dục đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện trường, đào tạo cán bộ thư viện, xã hội hóa các nguồn lực xây dựng thư viện, mua sắm sách, báo.
Những điều trên, không ít cơ sở giáo dục đã thực hiện rồi nhưng lâu nay được tiến hành theo kiểu “được chăng hay chớ” và mang nặng tư duy “cần thì tìm đến” nghĩa là ai thích đọc sách thì đến thư viện, không thì thôi.
Dù vậy, trong môi trường học đường, học sinh cần được tạo điều kiện để tiếp xúc với sách càng nhiều càng tốt. Các trường hãy dành ra khoản chi lớn hơn để mua sách, báo mỗi năm học. Thư viện ngoài những hoạt động hiện có, nên tổ chức thêm hoạt động để thu hút bạn đọc. Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT cần thường niên tổ chức hội thi cán bộ, giáo viên thư viện giỏi các cấp. Mô hình Thư viện thân thiện do Tổ chức Room to Read tài trợ đã phát huy nhiều hiệu quả, cũng rất đáng để các nhà trường tham khảo, học tập.
KIM KHÁNH