Hàng Tết - phòng gian, chống giả!
Chỉ còn tròn một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Bính Thân - 2016. Đây là dịp tiêu dùng lớn nhất trong năm nên việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường tết đã được các doanh nghiệp, các nhà phân phối và các hộ tiểu thương tích cực triển khai từ nhiều ngày qua. Tuy nhiên, bên cạnh các nhà kinh doanh chân chính phục vụ người tiêu dùng thì đây cũng là mùa làm ăn của những kẻ kinh doanh bất chính.
Theo dự báo của các cơ quan chức năng của tỉnh, năm nay hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết được chuẩn bị chu đáo, nguồn cung dồi dào nên sẽ không có những biến động lớn. Tuy nhiên, vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong dịp Tết Nguyên đán vẫn là vấn đề nổi cộm, diễn biến phức tạp.
Điều đáng lưu ý là tình trạng vi phạm gian lận thương mại, buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp. Vào thời điểm cận Tết, khi nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng cao cũng là dịp “đục nước béo cò” của không ít doanh nghiệp, tiểu thương làm ăn gian dối, đánh lừa người tiêu dùng bằng các hình thức khuyến mại, đóng gói vào giỏ hàng tết các sản phẩm quá hạn sử dụng hoặc phẩm cấp thấp…
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của đông đảo người tiêu dùng, yêu cầu đặt ra với các ngành chức năng cần phải vào cuộc quyết liệt, tăng cường đấu tranh phòng, chống buôn lậu, mạnh tay với vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn. Tích cực và chủ động triển khai thực hiện Chương trình bình ổn thị trường, giá cả phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tung tin thất thiệt gây tăng giá đột biến.
Các doanh nghiệp và Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng cần nêu cao vai trò và trách nhiệm trong công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chú trọng mở rộng phương thức kết nối giữa các doanh nghiệp với các địa phương, tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt nam” với các hình thức linh hoạt như: tháng bán hàng khuyến mãi, giảm giá; các chuyến hàng lưu động về các khu công nghiệp, chợ hàng Việt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Đặc biệt, các lực lượng quản lý thị trường bám sát và kịp thời theo dõi diễn biến cung cầu và giá cả thị trường; trong đó cần đặc biệt chú trọng đối với những hàng hóa, dịch vụ cốt yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân; ngăn ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin thất thiệt, thiếu chính xác, gây bất ổn thị trường, giá cả.
H.Đ