Cá ngừ đại dương được mùa, được giá
Thời điểm này, nhiều tàu hành nghề khai thác cá ngừ đại dương (CNĐD) đã cập bến để bán sản phẩm. Sản lượng CNĐD khai thác đạt khá, sản phẩm bán với giá cao, nên bà con ngư dân rất phấn khởi.
Có mặt tại cảng cá Quy Nhơn vào những ngày đầu tháng 1.2016, chúng tôi hòa vào niềm vui của ngư dân với những chiếc tàu cập bến, mang về cá nặng đầy khoang, kẻ bán người mua nhộn nhịp, không khí lao động rất khẩn trương.
Ngư dân đưa sản phẩm xuống bán tại cảng cáQuy Nhơn.
Vui “được mùa, được giá”
Vừa cập bến để bán sản phẩm sau gần 20 ngày đánh bắt trên biển, ngư dân Nguyễn Văn Việt, ở xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn), bộc bạch: “Thời tiết biển mùa này khá thuận lợi, biển nhiều cá nên sản lượng khai thác đạt khá. Riêng tàu của tôi khai thác được 50 con CNĐD. Đáng mừng hơn nữa là sản phẩm bán được giá cao (110 ngàn đồng/kg), trong khi giá xăng dầu giảm mạnh, nên đã giảm được chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất. Chuyến biển này, sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi thuyền viên trên tàu được chia 10 triệu đồng, ai cũng phấn khởi. Bán cá xong, chúng tôi sẽ sắm “tổn” để tiếp tục ra khơi ngay”.
Ngư dân Nguyễn Dệnh - ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) vừa bán xong sản phẩm đã khẩn trương lấy lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, nước đá… để trở lại ngư trường - vui vẻ cho biết: “Thời điểm này, mở biển thuận lợi và hiệu quả hơn, do giá xăng dầu đang giảm mạnh, trong khi nước biển mát, CNĐD xuất hiện nhiều. Làm ăn thuận lợi, nên cả chủ và thợ bạn đều quyết tâm mở chuyến biển mới ngay. Sắm “tổn” xong, chúng tôi sẽ thẳng tiến đến ngư trường thuộc quần đảo Trường Sa để khai thác CNĐD”.
Không chỉ ngư dân chuyên đánh bắt ở vùng biển xa, các cơ sở hậu cần nghề cá trên bờ hiện cũng đang tất bật với công việc của mình. Tất cả các điểm thu mua CNĐD ở cảng cá Quy Nhơn đều mở cửa mua sản phẩm, rồi cấp tốc chở đi giao ngay cho khách hàng. Những cây xăng, nhà máy sản xuất nước đá hoạt động liên tục, khẩn trương phục vụ cho những chiếc tàu nhanh hướng mũi ra khơi. Tàu cập cảng, cấp tốc chuyển cá lên cân; tiếp theo là nước đá, dầu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm nhanh chóng được chuyển xuống tàu, và tàu lại tiếp tục hải trình bám biển khơi xa.
“Nhờ được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, đáp ứng yêu cầu của ngư dân, nên số lượng tàu cá cập cảng để bán sản phẩm và lấy “tổn” ở cảng cá Quy Nhơn ngày càng nhiều. Cảng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo cho tàu cá của ngư dân ra vào an toàn để bán sản phẩm và sắm “tổn” vươn khơi bám biển, đồng thời giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực cảng”- ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Cảng cá Quy Nhơn, chia sẻ.
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Tỉnh ta hiện có 3.187 tàu công suất từ 90 CV trở lên đang vươn khơi bám biển khai thác thủy sản (KTTS) ở những vùng biển xa, trong đó có 1.150 tàu cá chuyên khai thác CNĐD. Ngư trường chính khai thác CNĐD của ngư dân tỉnh ta chủ yếu là khu vực biển thuộc quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, giữa Trường Sa và Hoàng Sa. Ngành Nông nghiệp tỉnh cùng với chính quyền các huyện, thành phố ven biển trong tỉnh đã và đang tổ chức nhiều đoàn công tác về các địa phương ven biển tăng cường tuyên truyền, động viên ngư dân tranh thủ ra khơi KTTS; đồng thời vận động, hỗ trợ ngư dân thành lập các tổ, ngư đội liên kết bám biển khai thác, đánh bắt, nhằm tăng hiệu quả sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Bán xong sản phẩm, ngư dân Nguyễn Dệnh khẩn trương lấy”tổn” để trở lại ngư trường, tiếp tục đánh bắt CNĐD.
Tiếp tục hỗ trợ ngư dân bám biển
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2015 và 5 năm 2011-2015; triển khai kế hoạch năm 2016 và 5 năm 2016-2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà cho biết: Tỉnh Bình Định đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển ngành nghề KTTS. Đáng chú ý là ngư dân đã mạnh dạn đầu tư cải hoán, đóng mới tàu cá công suất lớn; đầu tư trang thiết bị hiện đại; mua sắm ngư lưới cụ phù hợp cho từng ngành nghề để vươn khơi KTTS. Riêng năm 2015, ngư dân trong tỉnh đã đóng mới, đưa vào hoạt động 215 tàu cá công suất từ 400 - 1.000 CV. Nhờ vậy, năm 2015 toàn tỉnh đã khai thác được 202.370 tấn thủy sản các loại, tăng 6,3% so với năm 2014, trong đó có 8.902 tấn CNĐD, tăng 2,9%.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà, Bình Định là tỉnh thực hiện tốt các chính sách phát triển thủy sản theo tinh thần Nghị định 67/2014 của Chính phủ. Đến nay UBND tỉnh đã phê duyệt 5 đợt danh sách 130 ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu KTTS và tàu dịch vụ nghề cá; các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng với 33 chủ tàu với số tiền cam kết cho vay 521,4 tỉ đồng, trong đó có 110,9 tỉ đồng đã được giải ngân. Hiện có 4 tàu vỏ thép đã hạ thủy, ngư dân đang chuẩn bị ngư lưới cụ để vươn khơi trong tháng 1.2016.
Tỉnh cũng đã phê duyệt danh sách 1.761 chủ tàu cá đủ điều kiện được hưởng chính sách bảo hiểm theo tinh thần NĐ 67/CP; chỉ đạo ngành chức năng phê duyệt hồ sơ thiết kế, khái toán và công bố 2 mẫu tàu vỏ gỗ; ban hành định mức kỹ thuật và dự toán cho 5 mẫu lưới, để ngư dân lựa chọn. Ngoài ra, tỉnh còn tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT, Hội Hữu nghị Nhật Việt tại Sakai, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện dự án chuyển giao công nghệ, ngư cụ khai thác CNĐD của Nhật Bản cho ngư dân trong tỉnh để khai thác, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sản phẩm CNĐD.
Bài và ảnh: PHẠM TIẾN SỸ