Tẩm bổ, ăn sao cho khỏe?
Hiện nay, trên thị trường có đa dạng các loại thực phẩm đắt tiền như tổ yến, sâm, nhung hươu để mọi người bồi dưỡng, nâng cao sức khỏe.
Nâng cao sức khỏe
Đã thành thói quen từ nhiều năm nay, lúc nào cụ Trần Văn Ý (83 tuổi nhà ở phường Ghềnh Ráng, Quy Nhơn) cũng thủ sẵn bên mình vài “chỉ” sâm loại tốt, phòng khi mệt mỏi, trở trời lại lấy ra dùng. Đi tàu xe, cụ chẳng ăn uống gì ngoài ngậm vài lát sâm xắt lát thật mỏng. Cụ Ý cho biết: “Hễ hôm nào tôi cảm thấy mệt là dùng. Có khi ngậm, có khi đem hấp cách thủy. Với tôi, dùng nhân sâm như một thói quen vậy, không có là không được. Mỗi khi dùng sắp hết tôi lại giục con cháu mua về để sẵn trong nhà”.
Tổ yến chưng đường phèn, hạt sen.
Ở tuổi 55, anh Bùi Quốc Năm (nhà ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) đã có ý thức lo lắng cho sức khỏe của mình. Nhà có điều kiện kinh tế khá, anh không những mua nhung hươu, sưu tầm các bài thuốc quý thập toàn đại bổ ngâm rượu, mà còn gửi mua sâm khô trực tiếp ở Hàn Quốc về dùng. Đưa cho chúng tôi xem mấy củ sâm đen quắt lại còn nguyên rễ, anh Năm giới thiệu: “Đây là loại sâm đã được phơi khô bán với giá 500 USD cho nửa cân. Tuy nhiên, tôi cũng không dám lạm dụng vì sợ không tốt cho sau này. Mấy hôm trước tôi thi đấu tennis đánh liền mấy set mà không thấy đuối sức là nhờ uống sâm châm nước sôi dùng như uống trà. Khát, mệt lại lấy uống”.
Mấy năm gần đây, giá yến không cao chót vót như xưa, một số gia đình cũng có thể mua yến về tẩm bổ cho người thân hoặc làm quà tặng. Chị Yến Như, 30 tuổi, nhà ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, chuyên nhận bán tổ yến giúp người họ hàng cho biết, giá yến hiện nay dao động từ 1,8 triệu đồng lên trên 3 triệu đồng tùy theo loại. Trong đó, khách mua cho con ăn tẩm bổ, tăng sức đề kháng khá đông. “Hai năm nay, tôi nhận tai yến thay cho tiền hoa hồng bán tổ yến về cho con ăn. Chừng nửa tháng một lần, tôi chưng 1 tai yến cho hai bé nhà tôi ăn chung, sức đề kháng của tụi nhỏ cũng được tăng lên đáng kể. Không còn đau vặt, ho hen vào ra bệnh viện liên miên như trước nữa”, chị Như nói.
Ăn sao cho bổ
Theo thạc sĩ, bác sĩ CK II Đỗ Trí Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, yến, sâm, nhung hươu có độ dinh dưỡng rất cao. Người dùng ở độ tuổi nào cũng được, song đặc biệt hiệu quả với người suy nhược cơ thể. Yến có thể dùng cho mọi đối tượng và cách dùng hiệu quả nhất là chưng với đường phèn và hạt sen. Dùng buổi tối trước khi ngủ là tốt nhất vì khi ấy cơ thể sẽ hấp thụ tối đa các chất bổ của yến.
Tổ yến là thực phẩm giàu dinh dưỡng được nhiều người chuộng dùng.
Về cách dùng nhân sâm, theo bác sĩ Đức, có thể hấp trên nồi cơm cho mềm rồi uống nước, ngậm lát sâm sau đó nuốt luôn cả xác. Người già trong trạng thái đã gần đất xa trời (đông y gọi là dương lạnh) song vì lý do nào đó cần được kéo dài thêm thời gian, thì khi dùng nhân sâm cần phải thêm vị quế phụ (có tác dụng để làm ấm nóng thân thể) mới có tác dụng cao.
Trong khi đó, nhung hươu có thể ngâm rượu để uống hoặc xay thành bột nấu với cháo (cách này có thể hơi tanh). Tuy nhiên, nên hạn chế dùng nhung hươu cho trẻ vì độ đạm trong nhung hươu rất cao có thể gây nên tình trạng dị ứng mà trong dân gian vẫn hay gọi là “nứt da, nứt thịt”.
Việc này cũng được PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, khuyến cáo, cho trẻ ăn các loại thực phẩm giàu dưỡng chất, năng lượng từ quá sớm trong khi hệ tiêu hóa, khả năng hấp thu dưỡng chất chưa hoàn thiện không chỉ gây lãng phí mà còn khiến trẻ có nguy cơ rối loạn tiêu hóa, mắc bệnh béo phì, đái tháo đường về sau. Vì vậy, nên thử nghiệm cho ăn số lượng ít trước, rồi mới tăng dần, tránh cho trẻ bị dị ứng, ngộ độc. Thực tế đã có trường hợp trẻ ăn nhiều yến bị ói mửa, tiêu chảy vì cơ thể không hấp thu hết lượng đạm, gây lạnh bụng.
Bác sĩ Đỗ Trí Đức cũng lưu ý thêm, phụ nữ đang mang thai nên cẩn trọng và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng các loại thực phẩm có độ dinh dưỡng cao. Bởi lẽ, trong thời gian mang thai cơ thể người mẹ có những thay đổi về nội tiết mà nếu không khám hoặc xét nghiệm thì không phát hiện ra được, nếu cứ nhắm mắt dùng liều có thể gây nên những bất lợi cho mẹ và thai nhi.
Cách làm sạch lông tổ yến
Sau đây là cách làm sạch yến còn nguyên tổ, chưa qua tinh chế:
Nên ngâm tổ yến vào nước lạnh, vì nước nóng sẽ làm tan yến và làm mất một số chất. Nhiều người dùng rượu, dầu ăn…để tẩy rửa nhưng không cần thiết, và cũng làm yến mất chất, hoặc mất mùi vị. Chỉ cần nước là có thể làm sạch yến. Thời gian ngâm tổ yến không nên quá lâu (chừng dưới 4 tiếng). Khi thấy yến tơi ra là được.
Cần chuẩn bị: Một thau sạch Một nhíp gắp (kẹp gắp), rây sạch, muỗng và một dĩa hay chén để đựng yến sạch.
Cách làm:
- Ngâm tổ yến trong khoảng 1, 2 tiếng đồng hồ tùy theo loại yến và độ dày mỏng của tổ yến đến khi tổ yến tơi ra.
- Dùng nhíp gắp nhúng rửa từng ít một cho thật sạch tạp chất và lông.
- Tách tổ yến ra thành từng sợi sau đó cho yến vào rây. Đặt rây vào thau nước, dùng muỗng khuấy nhẹ, nhấc rây lên xuống, lông tơ yến sẽ theo nước ra ngoài, thay nước nhiều lần ta sẽ có yến sạch.
Bạn có thể ngâm 2 đến 3 tổ yến một lúc sau đó làm sạch, để ráo nước và bỏ vào ngăn mát của tủ lạnh. Thời gian tối đa có thể giữ trong tủ lạnh là 1 tuần. Lưu ý, phải để khô sợi yến trước khi để vào tủ lạnh, tuyệt đối không để yến còn nước.
HOÀNG LAN