Các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh: Đào tạo theo đơn hàng của doanh nghiệp
Với tiêu chí đảm bảo việc làm cho học viên sau tốt nghiệp, năm qua, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh chuyển hướng sang dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Xu hướng này được đánh giá cao và khuyến khích nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế và thay đổi ý thức của người dân về học nghề.
Liên kết với doanh nghiệp
Nhằm chuẩn bị nguồn lao động cho việc đi vào hoạt động, tháng 9.2014, Công ty TNHH May VINATEX Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn) và Trường Trung cấp nghề Hoài Nhơn đã ký bản ghi nhớ về việc hợp tác đào tạo nghề may thời trang. Theo đó, trong 2 năm 2014 và 2015, nhà trường phối hợp với công ty thực hiện tuyển sinh. Sau đào tạo, doanh nghiệp tiếp nhận toàn bộ số học viên đạt yêu cầu. Kết quả, đã có 150 lao động được nhận vào làm tại doanh nghiệp sau khi kết thúc khóa học.
Lớp dạy may theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp tại Trung tâm Dạy nghề - Giới thiệu việc làm thanh niên Bình Định.
Chị Nguyễn Thị Thanh Duyên, phụ trách Hành chính và Nhân sự Công ty TNHH May VINATEX Bồng Sơn, cho biết: “Việc phối hợp, liên kết từ tuyển sinh đến đào tạo đã hỗ trợ chúng tôi khá nhiều trong chuẩn bị nhân lực. Trong quá trình đào tạo, phía công ty cũng hỗ trợ nhà trường về mặt kỹ thuật, vật tư đào tạo, đảm bảo lao động có hình dung cơ bản về kỹ thuật, quy trình sản xuất tại nhà xưởng công ty”.
Năm 2015, Trung tâm Dạy nghề - Giới thiệu việc làm thanh niên Bình Định cũng “bắt tay” với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để thực hiện đào tạo có địa chỉ. Cụ thể, 35 học viên của lớp may công nghiệp ở xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) đã được một doanh nghiệp may đóng chân trên địa bàn - Công ty TNHH May Phượng Thành tiếp nhận. 35 học viên của lớp kỹ thuật điêu khắc gỗ (tại TX An Nhơn) cũng có chỗ làm tại Cơ sở tiện gỗ mỹ nghệ Trương Gia Bảo (xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn) sau khi học xong.
Với các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956, Trung tâm Dạy nghề - Giới thiệu việc làm thanh niên Bình Định cũng tìm kiếm nơi tiếp nhận cho lao động sau đào tạo. Chẳng hạn, với lớp mộc dân dụng mở tại xã Hoài Hảo (huyện Hoài Nhơn), Trung tâm đã giới thiệu lao động cho Công ty CP Lâm sản Hoài Nhơn và kết quả hơn 80% học viên được tiếp nhận.
Ngoài ra, Trung tâm Dạy nghề - Giới thiệu việc làm thanh niên Bình Định cũng thực hiện liên kết đào tạo với các doanh nghiệp được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề. Năm 2015, Trung tâm đào tạo hoàn thiện nghề gỗ mộc nội thất cho 120 công nhân Công ty TNHH Đức Toàn, 100 công nhân Công ty CP Phước Hưng, 100 công nhân Công ty CP Thương mại Sản xuất Duyên Hải; hoàn thiện nghề may cho 200 công nhân Công ty CP May Phù Cát, Công ty CP May Hoài Ân.
Một đại diện của Công ty CP Phước Hưng cho biết, hoạt động liên kết đào tạo, bồi dưỡng nghề cho công nhân tại doanh nghiệp góp phần xây dựng kiến thức bài bản cho lao động. Trên nền của kiến thức, lý thuyết, cộng với kinh nghiệm lao động thực tiễn, công nhân trở nên năng động, linh hoạt và sáng tạo hơn trong sản xuất.
Sẽ trở thành xu hướng chính của năm 2016
Đại diện nhiều cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cho biết, dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp sẽ là xu hướng chính của năm 2016. Bởi trước hết, học để có việc làm là nguyện vọng chung của người lao động. “Năm rồi, chị em quê tôi cũng ngập ngừng khi nghe cán bộ giới thiệu về lớp học may mở tại xã. Nhưng khi biết tin được Công ty TNHH Phượng Thành nhận vào làm sau khi kết thúc lớp, chúng tôi an tâm ngay. Chị em nào chưa có việc làm ổn định đều rủ nhau đi học”, chị Phạm Thị Bích (33 tuổi, ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước) chia sẻ.
“Nhu cầu lao động của doanh nghiệp khá lớn (trung bình khoảng 100 lao động/doanh nghiệp) nhưng cái khó là nhà trường chưa thể đáp ứng đủ số lượng. Chẳng hạn, tại thời điểm ký kết, VINATEX Bồng Sơn cần hơn 1.000 lao động, nhưng sau hai năm thì chúng tôi mới chỉ cung cấp được 15% con số này vì số lượng lao động trên địa bàn huyện và vùng lân cận đạt tiêu chuẩn về sức khỏe, độ tuổi của doanh nghiệp khá hiếm”.
Ông TRẦN MINH HỒNG, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Hoài Nhơn
Dạy nghề theo đơn đặt hàng cũng là cách cơ sở dạy nghề khẳng định uy tín với doanh nghiệp, chính quyền địa phương. Hiện nay, khi công tác quản lý về dạy nghề cho lao động nông thôn được phân cấp cho huyện, thị xã, thành phố thì trường nghề, trung tâm dạy nghề buộc phải đổi mới phương thức triển khai để giành được sự tín nhiệm của các địa phương.
Theo ông Trần Hữu Hiệu, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề - Giới thiệu việc làm thanh niên Bình Định, khó khăn lớn nhất trong thực hiện dạy nghề theo đơn đặt hàng là trang thiết bị của cơ sở dạy nghề chưa hiện đại như doanh nghiệp nên phần nào ảnh hưởng đến tay nghề của lao động trong giai đoạn đầu trực tiếp sản xuất tại doanh nghiệp. Còn lại, hoạt động này đang bộc lộ ý nghĩa tích cực khi sau đào tạo, chủ doanh nghiệp yên tâm chất lượng lao động, còn người lao động có việc làm ổn định.
Ông Trần Minh Hồng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Hoài Nhơn, cho biết thêm: “Trường đã ký kết với một số doanh nghiệp để thực hiện chiêu sinh đào tạo theo đặt hàng. Năm 2016, sẽ tiếp tục chiêu sinh và đào tạo nghề may thời trang cho Công ty TNHH May VINATEX Bồng Sơn. Một số doanh nghiệp cũng vừa ký liên kết đào tạo và tiếp nhận lao động sau đào tạo với trường như Công ty CP An Phát (huyện Hoài Nhơn) trên lĩnh vực may, Công ty CP Xây dựng 47 (TP Quy Nhơn) trên lĩnh vực nghề hàn, điện dân dụng và công nghiệp…”.
NGUYỄN MUỘI