Vào “sân chơi” AEC
Ngày 31.12.2015 Cộng đồng ASEAN (AEC) đã chính thức ra đời, đánh dấu sự hội nhập toàn diện các nền kinh tế 10 nước Đông Nam Á, tạo ra thị trường chung của một khu vực có dân số 600 triệu người và GDP hàng năm khoảng 2.600 tỉ USD.
Đối với Việt Nam, AEC đang mang lại cơ hội hết sức to lớn, có thể nói là chưa từng có trong lịch sử; đồng thời đi kèm với nó là những thách thức không hề nhỏ về nhiều mặt.
Cụ thể, AEC sẽ là cơ hội quý báu để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, nhanh chóng bắt nhịp với xu thế và trình độ phát triển kinh tế của khu vực và thế giới. AEC ra đời cùng với việc Việt Nam mở rộng các hiệp định tự do thương mại sẽ tạo động lực giúp các doanh nghiệp mở rộng giao thương, thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, cắt giảm chi phí nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm, tiếp cận các thị trường rộng lớn hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi lớn, AEC ra đời cũng là lúc các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Việc cạnh tranh về dịch vụ đầu tư của các nước ASEAN sẽ dẫn đến một số ngành, doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí rút khỏi thị trường. Trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ, các nước sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam nhưng đồng thời Việt Nam cũng phải mở cửa cho hàng hóa cạnh tranh của các nước. Những doanh nghiệp có lợi thế xuất khẩu sẽ ngày càng lớn mạnh hơn, trong khi doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh yếu đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ gặp thách thức nghiêm trọng. Hiện nay, đa số doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ, năng lực cạnh tranh hạn chế, bước vào “sân chơi” AEC, các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt không ít khó khăn, thách thức.
Việc tham gia AEC cũng sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế, hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao trình độ phát triển. Tuy nhiên, trong những năm tới, Việt Nam cũng đứng trước sức ép rất lớn về cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ và năng lực cạnh tranh.
Đối với lĩnh vực lao động, việc làm, Việt Nam cũng đứng trước những cơ hội và thách thức lớn. Để thực hiện cam kết có tính mới và đột phá về “tự do dịch chuyển của lao động có chứng chỉ đào tạo”, 10 nước ASEAN đã thống nhất công nhận giá trị tương đương của chứng chỉ đào tạo của mỗi nước thành viên đối với tám loại nghề nghiệp: bác sĩ, nha sĩ, hộ lý, kỹ sư, kiến trúc sư, kiểm toán viên, giám sát viên và nhân viên du lịch.
Về lý thuyết, khi gia nhập AEC, Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động trẻ đông đảo, khéo tay, học nhanh và làm việc chăm chỉ, có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực về lao động phổ thông. Tuy nhiên, với lao động chuyên môn cao thì lao động Việt Nam lại hạn chế, thua kém về trình độ ngoại ngữ, tay nghề chuyên môn và kỹ năng mềm… so với lao động các nước phát triển hơn trong khối. Với điểm yếu này lao động Việt Nam sẽ bị thất thế ngay trên “sân nhà” trong việc cạnh tranh việc làm với lao động các nước tràn vào. Nếu tình hình này không sớm được cải thiện thì một viễn cảnh không mấy sáng sủa ở thị trường lao động trong nước là điều hoàn toàn có thể diễn ra.
Có thể nói AEC đang đến và đặt Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác trước những cơ hội, thách thức to lớn. Thực tế này đang đòi hỏi chính phủ, doanh nghiệp và người dân Việt Nam phải có sự quan tâm, chuẩn bị kỹ lưỡng để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong quá trình tham gia AEC. Trong đó, ba “khâu đột phá” chiến lược là: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ chính là “chìa khóa” để Việt Nam hội nhập và phát triển thành công cùng AEC.
HẢI ĐĂNG