Phước Thắng: Dựa sức dân phát triển đường bê tông giao thông nông thôn
Những năm qua, nhất là năm 2015, phong trào làm đường bê tông giao thông nông thôn ở xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước phát triển mạnh. Có được điều này là do nhân dân đồng thuận cao, đóng góp tích cực.
Người dân xã Phước Thắng hăng hái góp công, góp của làm đường bê tông giao thông nông thôn.
Xã Phước Thắng là vùng trũng, nằm về phía Đông Bắc của huyện Tuy Phước, có 2 tuyến tỉnh lộ ĐT 640 và 636 đi qua và là 1 trong 4 xã nằm ven đầm Thị Nại “mới mưa đã úng, mới nắng đã hạn”, cơ sở hạ tầng giao thông chưa tốt. Và điều này làm ảnh hưởng khá nhiều đến sự phát triển chung của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã, bộc bạch: Là địa phương thuần nông, nguồn thu nhập chỉ dựa vào cây lúa, do đường sá đi lại khó khăn nên ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ chậm phát triển. Xã có 2 làng nghề dệt chiếu nhưng hoạt động cầm chừng, buôn bán nhỏ lẻ. Phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã đánh thức tinh thần chung tay của người dân với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm; dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”. Người dân đã góp nhiều công sức vào các hạng mục phát triển hạ tầng ở địa phương, trong đó đáng ghi nhận nhất là phong trào làm đường bê tông giao thông nông thôn.
Chi phí làm đường tỉnh, huyện hỗ trợ một phần, còn lại ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp. Hơn nữa, những nơi có đường đi qua, bà con thống nhất dỡ hàng rào hiến vườn, hiến ruộng không đòi hỏi đền bù. Chẳng những vậy, bà con còn hăng hái đóng góp tiền, ngày công. Riêng trong năm 2015, 100% số thôn trong xã đều đăng ký và đã làm được hơn 10km đường bê tông trong xóm và ngõ xóm theo tiêu chuẩn đường loại C (nền đường rộng 3m, mặt bê tông rộng 2m), nâng tổng chiều dài đường bê tông giao thông nông thôn của xã lên 28km.
Tiêu biểu trong phong trào làm đường bê tông giao thông nông thôn là Đội 11, thôn Tư Cung. Riêng đội này đã có 42 hộ tham gia đóng góp, bình quân mỗi hộ 2,7 triệu đồng, có hộ tự nguyện đóng góp đến 6 triệu đồng. Nhiều hộ vừa đóng góp tiền vừa hiến hàng chục mét vuông đất ở, đất ruộng để làm đường. Điển hình là các hộ: Lê Thị Được, Võ Kim Anh, Lê Thị Tuyết…
Từ số tiền nhân dân đóng góp, cộng với số xi măng do tỉnh hỗ trợ, lại được huyện hỗ trợ thêm một phần chi phí, Đội 11 đã đúc bê tông gần 300m đường ngõ xóm. Điểm đặc biệt là bà con ở đây đã thêm tiền để đúc đường theo tiêu chuẩn đường loại B (mặt đường rộng 4m, mặt bê tông rộng 3m, dày 18cm).
Ông Trần Xuân Đạt, Trưởng thôn Tư Cung hồ hởi: “Điều đáng mừng là người dân không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, thay vào đó ai cũng tự nguyện và vận động nhau chung sức XDNTM, đặc biệt là trong việc làm đường bê tông giao thông nông thôn. Chỉ trong năm 2015, cả thôn đã đúc bê tông được 6 tuyến đường xóm, ngõ xóm với chiều dài gần 1,4 km. Năm 2016, tổng chiều dài các tuyến đường bà con đăng ký làm gấp 3 lần năm 2015, tiến tới xóa không còn đường đất nữa”.
Còn ông Phạm Văn Bình, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Thanh Quang, khoe: Lúc đầu vận động cũng gặp không ít khó khăn, người nói ra, nói vào, nhưng kiên trì vận động theo kiểu “mưa dầm, thấm lâu”, rồi người dân cũng thấy được việc làm đường là phục vụ cho chính mình đi lại thuận tiện; nhất là ngày mùa, nông sản thu hoạch vận chuyển về nhà được dễ dàng và khi bán khỏi bị ép giá, nên tất cả 120 hộ dân trong thôn đều đồng tình đóng góp mỗi hộ từ 1,5 - 2,5 triệu đồng, góp hơn 300m2 đất ruộng để đúc bê tông gần 1,4km đường. “Bây giờ bà con mình quá sướng. Trước đây, nếu có việc lên trung tâm xã, đường dài có 5 km mà lội ruộng cả buổi mới tới, nay đi xe máy chưa được 15 phút đã tới nơi”, ông Nguyễn Hữu Thời một hộ dân ở thôn Đông Điền (thôn vùng xa của xã), chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã, quyết tâm: Năm 2016 các thôn tiếp tục đăng ký làm thêm đường bê tông, phấn đấu đến năm 2017 có 100% đường trục liên xã, liên thôn được đúc bê tông xi măng; đến năm 2020 đạt 100% đường thôn ngõ xóm đều bê tông xi măng, đường nội đồng cứng hóa 100%.
XUÂN THỨC