Lợi đơn, thiệt kép (!)
Thời gian gần đây, giá bán các loại gỗ nguyên liệu khai thác từ rừng trồng như bạch đàn, keo lai khá cao đã mang lại thu nhập khá tốt cho người trồng rừng ở tỉnh ta. Năm nay giá gỗ bạch đàn, keo lai nguyên liệu khá cao do xuất khẩu dăm gỗ tăng mạnh, hiện đang ở mức cao hơn 200-300 ngàn đồng/tấn so với cuối năm ngoái, nên nhiều chủ rừng đang tăng cường khai thác rừng trồng 5-7 năm tuổi để tranh thủ bán cho được giá.
Tính từ đầu năm đến nay, đã có 1.821 ha rừng trồng trên địa bàn tỉnh được khai thác, sản lượng gỗ nguyên liệu đạt gần 138 ngàn tấn. Với giá mua bình quân ở mức 1,2 triệu đồng/tấn thì sản lượng khai thác nói trên cho nguồn thu lên đến 165,6 tỉ đồng, một con số khá ấn tượng về thu nhập của nông dân. Trồng rừng gỗ nguyên liệu đã và đang là chuyện “thời sự” ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là ở các huyện trung du, miền núi là những nơi có quỹ đất trồng rừng lớn.
Mặc dù xuất khẩu dăm gỗ giúp người trồng rừng bán được giá cao hơn nhưng vẫn là xuất khẩu nguyên liệu thô. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất bột giấy trong nước lại thiếu nguyên liệu để sản xuất. Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, gỗ rừng trồng trong nước hiện nay không đủ phục vụ cho ngành sản xuất ván nhân tạo và sản xuất giấy, chưa nói đến phục vụ cho ngành chế biến gỗ. Hiện nay các nhà máy giấy phía Bắc gặp rất nhiều khó khăn trong thu mua nguyên liệu gỗ, dăm gỗ để sản xuất bột giấy do hoạt động xuất khẩu dăm gỗ tăng mạnh. Theo tính toán, ngành giấy cần khoảng 822.000 tấn bột giấy nguyên liệu để sản xuất, trong đó có trên 50 nhà máy sản xuất bột giấy với lượng sản xuất khoảng 480.000 tấn bột giấy/năm, còn lại là phải nhập khẩu.
Trước thực tế này, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam đã nhiều lần gửi công văn đến các bộ ngành có liên quan đề nghị có biện pháp hạn chế tình trạng khai thác gỗ non để băm dăm xuất khẩu vì hầu như không gặp phải rào cản thuế quan nào. Mới đây, Bộ Công Thương đã đề xuất việc hạn chế xuất khẩu dăm gỗ để tránh khai thác rừng non và một phần giữ nguyên liệu cho sản xuất giấy trong nước. Bộ Tài chính cũng đã tán thành quan điểm của Bộ Công Thương và đề nghị nâng mức thuế xuất khẩu dăm từ 0% lên 5%.
Tuy nhiên, giải pháp nâng mức thuế xuất khẩu dăm cũng chỉ là giải pháp mang tính kỹ thuật tạm thời, điều quan trọng là sản xuất trong nước phải có sự quy hoạch đồng bộ, có mối liên kết chặt chẽ giữa các khâu, cả trồng rừng nguyên liệu và công nghiệp chế biến, để tạo thành chuỗi sản xuất đồng bộ. Chỉ có như vậy mới mong sản xuất ổn định, mang lại hiệu quả cao và bền vững và hạn chế tình trạng “lợi đơn, thiệt kép” do cách làm ăn theo kiểu “bán lúa non” như lâu nay(!).
HẢI ÐĂNG