Trên sân ga nước khác
Truyện ngắn của Chilianzi (Hà Lan), Trà Ly dịch
Y lẩn quẩn, chần chừ, do dự mãi. Đã từng đau khổ, căm thù, thậm chí suy sụp, nhưng y không biết phải xử lý như thế nào, cứ như một kẻ điên rồ mất hết lý trí!
Cuộc sống “Âu hóa” hơn một năm nay, chua cay đắng chát y đều đã từng nếm trải, chỉ không hề có ngọt ngào!... Y rít thuốc lá liên tục và hồi tưởng lại. Y từng bị bắt vào đồn cảnh sát, từng ngồi tù; từng sang Bỉ, sang Pháp. Ấn tượng lưu lại trong y là, trong cái gọi là “thế giới tự do” này, thứ gì cũng có. Đường cao tốc thì chẳng có gì lạ, khu đèn đỏ, sòng bạc cũng thế thôi. Điều duy nhất khiến y kính nể là chiếc cối xay gió cổ xưa và ngôi giáo đường sừng sững cùng năm tháng! Sống ở xứ người như thế này, mình phải tự quyết định tất cả, nhưng y cảm thấy rất tủi thân!...
***
Lúc này y đang đứng trên sân ga tàu lửa tại một thành phố lớn ở Hà Lan. Chờ tàu…nhưng đi đâu thì chưa hề quyết (!). Vì là, đã hai tháng nay, đây là lần thứ sáu y bị đuổi việc. Những người quen biết y không muốn tìm việc giúp y nữa. Bản thân y cũng cảm thấy áy náy khi nhờ người tìm việc cho mình. Tuyệt đại đa số người Trung Quốc ở Hà Lan đều sống bằng nghề kinh doanh ăn uống, mà nghề này thì ở đâu cũng thế cả: thời gian làm việc quá căng thẳng, công việc gấp gáp, luôn chân luôn tay, không hề có thời gian nghỉ ngơi ăn uống cho đàng hoàng tử tế. Y đã hơn một lần cảm thấy hối hận bởi tự dưng lại xuất ngoại kiểu này! Thực ra, lúc đó y không hề có ý định ra nước ngoài như một số người khác. Y chỉ có cảm giác “xuất ngoại” là một thứ mốt thời thượng, trong khi nhiều người kháo với nhau rằng, đó là con đường nhẹ nhàng để có nhiều vàng, để làm giàu, để tìm vận may… Đám thanh niên trai tráng tầm tuổi y chưa có nghề nghiệp chính thức, cũng chưa có vợ con vướng bận, xuất ngoại một chuyến cũng hay. Mẹ y thì cho rằng, đây là cơ hội tốt, dứt khoát không thể bỏ lỡ!... Hai năm trước, người dì ruột của y sống ở Hà Lan đưa chồng về nước thăm thân. Mẹ y chộp ngay cơ hội này năn nỉ ỉ ôi cô em gái: “Em ơi, bất cứ giá nào em cũng phải nghĩ cách đưa con trai chị ra nước ngoài! Anh chị không tiếc gì hết…”. Người em gái biết hoàn cảnh gia đình chị, anh rể thuộc hộ “vạn nguyên”, có vị thế nhất định trong thành phố, mấy năm nay mở một xưởng nhỏ, tự mình làm chủ, thu nhập rất khả quan, trong nhà không thiếu thứ gì, điều kiện sinh hoạt có kém gì phương Tây đâu. Do đó cô chân thành khuyên chị: “Theo em, với điều kiện sinh hoạt như gia đình anh chị đây, tốt nhất là không nên cho cháu xuất ngoại chị ạ. Nên biết là, xuất ngoại đã khó, mưu sinh ở xứ người càng khó hơn nhiều. Làm việc ở nước ngoài khó lắm, lại còn bất đồng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, thời tiết khí hậu, rồi tính cách, tình cảm con người… tất cả đều khác ta. Chuyện phân biệt đối xử đối với người nhập cư, phân biệt sắc tộc… đủ các kiểu. Không phải ai cũng hội nhập được đâu chị ạ!”. Những gì người em nói, bà chị đều bỏ ngoài tai, thậm chí còn cho rằng dì ấy hù dọa vậy thôi, chẳng nên tin làm gì!
Không lâu sau, người chị lại năn nỉ cô em lần nữa. Lần này, cô em đành bất đắc dĩ nhận lời, chạy chọt để cậu con trai của chị có cơ hội xuất ngoại… Và, đấy chính là y, người đang băn khoăn do dự tại sân ga tàu lửa.
Cho mãi đến bây giờ y vẫn không hiểu nổi tại sao mình lại phải rời bỏ quê hương xứ sở để đến một đất nước hoàn toàn xa lạ thế này? Vì tiền ư? Không! Gia đình y căn bản không cần tiền của y. Bố y vẫn đang là một ông chủ xí nghiệp, tuy tuổi hơi cao, không được khỏe như trước nữa. Hay là xuất ngoại để tìm vợ khi trong nước khan hiếm con gái? Điều này càng không thể. Có cô gái nào lại muốn lấy một gã ngoại kiều ngại khó ngại khổ, không có việc làm ổn định?
Nhớ lại năm đó, hồi còn ở trong nước, có mấy cô gái xinh đẹp theo đuổi, không biết có cô nào thực sự yêu y? Yêu y vì cái gì cơ chứ? Cao to đẹp trai à ? Yêu y vì y có ông bố giàu có? Yêu vì ngôi nhà bốn tầng mới xây? Nhưng nó có hoàn toàn thuộc về y đâu, y còn những ba cậu em trai nữa. Vậy yêu y vì cái gì? Chắc chắn là không thể yêu một thằng cha chơi bời lêu lổng, chẳng có nghề ngỗng gì! Đúng. Y nghiệm ra rằng, bởi y có bà dì Hoa kiều, biết đâu một ngày nào đó sẽ được xuất ngoại? Đúng là thần kinh! Y nghĩ như thế, đột nhiên buột miệng chửi một tiếng rồi lầm bầm: “Sớm biết thế này, ta không xuất ngoại cho xong!”.
Tàu lửa đến rồi đi, nhưng y vẫn ngồi đó trên chiếc ghế băng trống trải. Chuông đồng hồ điểm 12 tiếng, dường như đang gặp một cơn ác mộng, y giật mình tỉnh mộng, than thở: “Muộn quá rồi! Phải về nhà thôi… Mà nhà ta có ở đây đâu cơ chứ? … Tít ở Trung Quốc… Ta phải về Trung Quốc!”. Y đứng bật dậy, rời chiếc ghế băng cũ kỹ, theo bản năng sờ vào túi tìm thuốc lá, không còn một điếu nào. Cơn thèm thuốc thôi thúc y lục sang túi khác. Và, bàn tay y chạm phải lá thư mẹ vừa gửi, y còn chưa kịp xem. Bức thư có đoạn viết: “Mỗi lần nhận được thư con, cả nhà vừa mừng lại vừa lo con ạ! Mừng vì con đã ở nước ngoài, tương lai sẽ là một “Hoa kiều về nước”, chúng ta là gia quyến của Hoa kiều, tự hào lắm chứ con! Còn lo là vì, con bảo công việc không kham nổi, cơ thể suy nhược. Phải ráng khắc phục con ạ! Vô luận như thế nào con cũng không được về nước! Nếu không, chúng ta sẽ bị mọi người cười chê dè bỉu, không sống nổi đâu con ơi! Mẹ van con đấy, tuyệt - đối - không - được - về - nước!!!”.
Làm sao bây giờ? Y đờ đẫn ngồi phịch xuống chiếc ghế băng trong phòng đợi ga tàu…
(Dịch từ bản Hoa văn của Dật Danh)