Thị trường bánh kẹo, mứt Tết Nguyên đán Bính Thân 2016: Nội - ngoại cùng đua
Chưa có năm nào thị trường bánh kẹo, mứt, rượu bia phục vụ Tết Nguyên đán lại đa dạng, phong phú như năm nay. Thị trường “mở cửa” rộng hơn là dịp để sản phẩm ngoại tràn vào càng nhiều.
Tại Bình Định, thời điểm này, thị trường bánh kẹo Tết đã bắt đầu sôi động, song giá cả chưa có nhiều biến động. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Bình Định, trong cơ cấu hàng Tết, thực phẩm ngoại nhập năm nay nhiều hơn các năm trước; riêng bánh, kẹo đã có vài chục loại; còn rượu hàng ngoại cũng áp đảo.
Khách hàng mua sản phẩm bánh kẹo, mứt Tết tại siêu thị Co.opmart Quy Nhơn.
Cạnh tranh quyết liệt
Trong thế cạnh tranh đó, các đơn vị sản xuất bánh kẹo và mứt Tết trong nước đã đầu tư hơn về chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Tại các siêu thị lớn như Big C, Co.opmart, Trung tâm thương mại An Phú Thịnh, từ giữa tháng 12.2015, bánh kẹo thương hiệu Việt đều được trưng bày tại khu vực bắt mắt nhất để người tiêu dùng (NTD) dễ dàng lựa chọn.
Tết năm nay, hệ thống siêu thị Co.opmart tại Bình Định nhập về khoảng 350 tấn bánh kẹo, mứt với chất lượng, mẫu mã phong phú hơn so với các năm trước. Về cơ cấu, nhóm hàng bánh kẹo 75% sản xuất trong nước, còn nhóm hàng mứt thì 100% trong nước. Thương hiệu bánh kẹo chủ lực vẫn là Kinh Đô, Bibica, Hải Hà… Phần lớn các loại mứt Tết đều có xuất xứ từ nhà cung cấp Xuân Hồng (TP Hồ Chí Minh).
Dù tiếp tục khẳng định ưu thế “sân nhà” với một lượng lớn NTD chuộng hàng Việt, nhưng trên thực tế, các sản phẩm trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập. Chủ một cơ sở phân phối bánh kẹo lớn trên đường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn, cho biết: “Hàng nội và hàng ngoại đang cạnh tranh nhau rất gắt. Sức mua hai loại hàng này tương đương nhau. Hàng nhập khẩu nhìn bề ngoài sang trọng hơn, phù hợp nhu cầu biếu, tặng. Đây cũng là một lý do khiến các sản phẩm trong nước nhiều khi không bán chạy bằng sản phẩm nhập khẩu”.
Không kể siêu thị Big C với chủ sở hữu là người nước ngoài, bày bán rất nhiều sản phẩm bánh kẹo từ Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Mỹ, Đức..., ngay tại siêu thị thuần Việt như Co.opmart cũng dễ dàng nhận thấy có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa sản phẩm bánh kẹo trong nước và hàng ngoại. Đến thời điểm này, Co.opmart Quy Nhơn và Co.opmart An Nhơn có 35 loại bánh kẹo nhập ngoại. Ông Thái Lương Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sài Gòn Co.op Bình Định, phân tích: “Về chất lượng và mẫu mã, hàng ngoại vẫn nhỉnh hơn so với hàng trong nước. Về giá cả, hàng ngoại và hàng trong nước không chênh lệch bao nhiêu. Vì vậy, nhiều NTD chọn mua bánh kẹo ngoại để làm quà biếu trong dịp Tết”.
“Mê trận” rượu ngoại
Vẫn như mọi năm, rượu là một thức quà biếu Tết và để tiếp khách được NTD chọn lựa. Thị trường rượu Tết bị áp đảo bởi hàng trăm loại rượu nhập khẩu. Trong khi các siêu thị trên địa bàn tỉnh nhập một lượng lớn bia, rượu từ nước ngoài (khoảng 60%) để bán thì các cơ sở kinh doanh, cửa hàng bán lẻ, hàng nhập khẩu vẫn nhập về ồ ạt, chiếm lĩnh thị phần từ cao cấp đến bình dân.
Dòng sản phẩm rượu trong nước đến nay chỉ còn mạnh sản phẩm rượu vang Đà Lạt, nhưng cũng chỉ chiếm một diện tích khá khiêm tốn trong các cửa hàng. Theo bà Huỳnh Thị Thụy - Giám đốc Công ty TNHH-TM-DV Vĩnh Thụy (Quy Nhơn), dòng rượu vang Chile đang được tiêu thụ mạnh và thông dụng, không chỉ hợp với khẩu vị mà giá cả cũng rất cạnh tranh với vang Đà Lạt ở ngay sản phẩm tầm thấp; chưa kể các loại vang xuất xứ từ Ý, Pháp, Mỹ, Úc… cũng “chạy” hàng, dù giá gấp vài lần vang Đà Lạt. Với dòng rượu mạnh, hàng nhập ngoại chiếm lĩnh thị trường, cùng các thương hiệu như: Chivas Regal, Johnnie Walker, Ballantine’s, Macallan, Remy Martin, Hennessy, Martell…
Về chất lượng rượu ngoại, một nhân viên của Công ty TNHH Hoa Mai (ở TP Đà Nẵng) phân phối rượu nhập khẩu tại thị trường Bình Định, cho biết, với rượu nhập khẩu, bên cạnh loại nhập thẳng từ nước ngoài, hiện có nhiều sản phẩm được đóng chai ngay tại Việt Nam, nên giá cả rất cạnh tranh. Tình trạng rượu giả, rượu “lên đời” vẫn diễn ra, nhưng không phải khách hàng nào cũng sành rượu để nhận biết được.
Trong khi đó, đến thời điểm này, bia ngoại nhập đã xuất hiện ngày càng nhiều trên quầy kệ của siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở bán lẻ. Mặc dù giá khá cao, nhưng tâm lý “say” các loại rượu, bia ngoại đã khiến mặt hàng xa xỉ này ngày càng trở nên phổ biến và tiêu thụ mạnh vào dịp Tết.
Theo ông Phạm Tấn Thành, Phó Giám đốc Sở Công Thương, thị trường Tết năm nay sẽ tiêu thụ khoảng 750 tấn thực phẩm chế biến (trong đó có các loại bánh kẹo, mứt, rượu bia); tháng cận Tết có thể tăng thêm 20-25%. Các DN và cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh rất ít, nên sản phẩm được khai thác chủ yếu từ các tỉnh, thành trong nước và nhập khẩu. Các sản phẩm này được Công ty TNHH MTV Sài Gòn Co.op Bình Ðịnh, các công ty cổ phần tổng hợp Vĩnh Thạnh, Vân Canh và An Lão đưa vào danh sách hàng bình ổn giá để phục vụ người dân.
THU HIỀN